80% số nhiệm vụ nghiên cứu có kết quả được ứng dụng, phục vụ các hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước hoặc có thể thương mại hóa - Chương trình KC.01 đặt mục tiêu.

Ngày 26/10, tại TPHCM, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.01/21-30 phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) tổ chức hội thảo “Giới thiệu và định hướng khoa học chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”.

Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”, mã số KC.01/21-30, được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 1002/QĐ-BKHCN ngày 15/6/2022.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình KC.01/21-30, cho biết, giai đoạn 2016-2021, Chương trình đã thực hiện 26 nhiệm vụ, với tổng kinh phí hơn 148 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm hơn 143 tỷ đồng. Sau 4 năm thực hiện, Chương trình nghiên cứu, phát triển, chế tạo được 281 sản phẩm và 44 phần mềm, cơ sở dữ liệu.

Mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn tới nhằm phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình, giải pháp số hóa, giải pháp liên thông, tích hợp, chia sẻ và khai thác dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh; đồng thời làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm và ứng dụng các sản phẩm, giải pháp đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin.

v
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng giới thiệu về Chương trình KC.01

Theo PGS Huỳnh Quyết Thắng, ba trụ cột xuyên suốt của KC.01/21-30 là Chính phủ số, đô thị thông minh, và an toàn thông tin và an ninh mạng, vì vậy Chương trình tập trung vào một số nội dung nghiên cứu chính như phát triển các giải pháp số hóa số liệu, kết nối liên thông, khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở, hệ thống giám sát an ninh mạng,…

Phs
Phát triển đô thị thông minh tại TPHCM. Ảnh: Internet

Chương trình phấn đấu 80% số nhiệm vụ nghiên cứu có kết quả được ứng dụng, phục vụ các hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước hoặc có thể thương mại hóa. Tối thiểu 30% số nhiệm vụ có kết quả tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tương đương với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Chương trình cũng đặt ra 20% nhiệm vụ có kết quả làm tiền đề cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ ở giai đoạn tiếp theo.