Bên cạnh đó, cơ chế giám sát khá lỏng lẻo, dễ tạo kẽ hở cho việc trà trộn các động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp tại các cơ sở gây nuôi, đặc biệt với các cơ sở nuôi vì mục đích thương mại.
Trong báo cáo "Nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại: Khảo sát điểm tại Bắc Giang và Vĩnh Phúc", Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết, qua phỏng vấn 33 cơ sở gây nuôi và 6 cán bộ kiểm lâm, điều kiện về đảm bảo nguồn giống hợp pháp vẫn chưa được tuân thủ triệt để ở cấp cơ sở, vẫn có trường hợp nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm với nguồn giống ban đầu từ tự nhiên mà không bị cơ quan chức năng phát hiện.
Một trong những lỗ hổng pháp lý dẫn tới tình trạng chủ cơ sở tiến hành nuôi thử động vật hoang dã hoặc nhập động vật hoang dã về nuôi nhưng không báo cáo với Cơ quan Kiểm lâm là do cả
Nghị định 06/2019/NĐ-CP và
Nghị định 84/2021/NĐ-CP đều không quy định thời hạn thông báo cho Cơ quan Kiểm lâm sở tại.
Nhằm khắc phục các hạn chế nêu trên, bên cạnh yêu cầu cần hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, PanNature đề xuất các cơ quan quản lý ở cấp cơ sở cần sâu sát hơn nữa trong quản lý nguồn gốc động vật hoang dã được gây nuôi; tập trung nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở nuôi về các quy định pháp luật liên quan đến gây nuôi động vật hoang dã...