Hàng chục nhà khoa học đầu ngành trong nhiều lĩnh vực tự nhiên của Việt Nam và Nhật Bản đã họp mặt trực tuyến để trao đổi nghiên cứu và các giải pháp ứng dụng vào thực tiễn.

Ảnh chụp màn hình một số thành viên tham gia hội thảo VANJ2020 | Ảnh: BTC
Ảnh chụp màn hình một số thành viên tham gia hội thảo VANJ2020 | Ảnh: BTC

Diễn ra dưới hình thức online trong hai ngày 28 - 29/11/2020, Hội thảo khoa học VANJ 2020 do Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) tổ chức với chủ đề “Khoa học và Công nghệ trong Bình thường Mới” đã thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 500 đại biểu ở khắp nơi trên thế giới.

Tại 15 phiên thảo luận chuyên đề và tổng quát, hơn 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ hàng chục đơn vị nghiên cứu, cơ quan quản lý của Việt Nam, Nhật Bản và các tổ chức quốc tế đã cùng nhau chia sẻ, cập nhật những tiến bộ trong KH&CN cũng như đưa ra dự đoán về xu hướng phát triển cùng nhận định về những vấn đề mới phát sinh trong giai đoạn hậu Covid.

Các giáo sư uy tín của các viện nghiên cứu, quản lý hàng đầu của Nhật Bản đã mang đến cho Hội thảo rất nhiều thông tin về những tiến bộ quan trọng trong những lĩnh vực tiên phong trong đó có GS. Masaaki Tanaka, Đại học Tokyo, trong trình bày về "Các ứng dụng bán dẫn sắt từ và spintronics mới”; PGS. Yoshio Mita, Đại học Tokyo trình bày về “Nghiên cứu sáng tạo thông qua nền tảng mở CMOS-MEMS với thế hệ trẻ” trong phiên về MEMS và loT, hay GS. Hitoshi Kasai, Viện Nghiên cứu Đa ngành về Vật liệu Tiên tiến, Đại học Tohoku, nói về “Dược chất nano mới (nano prodrug) được thiết kế từ các phân tử dược chất ít tan trong nước” trong phiên về Hệ thống dẫn truyền thuốc Nano.

Đặc biệt, tại Phiên chuyên đề về Neutrino,GS. Takaaki Kajita,giải Nobel Vật lý năm 2015, có bài phát biểu cùng với đại diện phía Việt Nam làPGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, hiện đang là trưởng nhóm nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực khá mới mẻ này.

Nhiều nghiên cứu về ứng dụng thực tế và có tiềm năng áp dụng ở Việt Nam cũng được trình bày, bao gồm dự án “Phát triển hệ thống sàng lọc bệnh truyền nhiễm bằng sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản” của GS. Koichiro Ishibashi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục UEC ASEAN; “Phương pháp tiếp cận hệ thống thần kinh để phân tích và ứng dụng văn bản pháp luật” của GS. Nguyễn Lê Minh, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST); “Ghép tế bào gốc chữa bệnh nan y ở trẻ em” củaGS. Nguyễn Thanh Liêm,Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec hay bài trình bày về “Tác động của năng lượng tái tạo đối với hệ thống điện” củaTS. Trần Huỳnh Ngọc, Viện Công nghệ Toyota, Nhật Bản và Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2).

Bên cạnh những lĩnh vực tự nhiên, các vấn đề về COVID-19 là chủ đề được thảo luận sôi nổi, bao gồm các tác động của nó đến kinh tế-xã hội và các chiến lược ứng phó.

Video một số phiên họp của hội thảo:

- Phiên khai mạc và Phiên chuyên đề về Vật liệu nano mới nổi. (Youtube)

- Phiên chuyên đề về Học sâu và NLP (Youtube 1) (Youtube 2)

- Phiên chuyên đề về Neutrino và Plenary (Youtube)

- Phiên chuyên đề về Vai trò và ứng dụng của bộ chuyển đổi điện, hệ thống lưu trữ năng lượng và xe điện trong lưới có khả năng thâm nhập cao của nguồn năng lượng tái tạo (Youtube)

- Phiên chuyên đề về Các chiến lược y tế công cộng bền vững và hiệu quả để đối phó với COVID-19 trong Bình thường Mới (Youtube)

- Phiên chuyên đề về Mạch tích hợp VLSI ứng dụng (Youtube)

- Phiên Tổng kết và Trao giải hội nghị (Youtube)