Diễn ra từ ngày 2 -5/7 tại TPHCM, Triển lãm quốc tế lần thứ 20 về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo - MTA Vietnam 2024 trưng bày, trình diễn nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến và trang thiết bị hiện đại.
Triển lãm MTA Vietnam 2024 do Công ty Informa Markets Việt Nam tổ chức, với không gian trưng bày 16.000m2. Đây được xem là một trong những sự kiện thương mại lớn nhất về ngành cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo tại khu vực, đem đến cho doanh nghiệp trong và ngoài nước cơ hội giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, công nghệ cũng như gặp gỡ, kết nối.
Hơn 300 thương hiệu đến từ hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Ấn Độ, Ba Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan,… giới thiệu tại Triển lãm những công nghệ, giải pháp mới nhất cho ngành cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo như máy cắt và định hình kim loại; đúc và khuôn mẫu, máy hàn laser, dụng cụ gia công, cắt gọt; công nghệ tự động hóa, đo lường, kiểm tra, xử lý bề mặt, xử lý nhiệt, nguyên nhiên vật liệu;…
Có thể kể đến máy GOM Scan (Đức), sử dụng công nghệ vân sáng (dải sáng xen kẽ với các vân tối), với ánh sáng xanh để tạo ra các dữ liệu chính xác, đảm bảo tính chính xác trong quy trình đo sản phẩm. Thiết bị có thể nhanh chóng thu thập toàn bộ chi tiết bề mặt vật thể với độ phân giải cao. Ngoài ra, nhờ hệ thống camera, thiết bị có khả năng tự nhận biết các thay đổi của điều kiện đo quét như môi trường, nhiệt độ, độ rung và tự động cảnh báo người dùng.
Trong khi đó, các gian hàng của Đài Loan giới thiệu các thiết bị, máy móc có khả năng tích hợp các yếu tố thông minh như dự đoán lỗi, bù trừ độ chính xác, cài đặt thông số tự động,… Cụ thể như thiết bị xử lý dầu cắt coolant có khả năng lọc tạp chất, phân tách dầu nước, khử trùng, khử mùi,… giúp kéo dài thời gian sử dụng của dầu coolant, tiết kiệm được chi phí nhờ tái sử dụng dầu thải. Hay máy khí nén sử dụng biến tần nam châm vĩnh cửu, giúp tiết kiệm 50% điện năng so với máy nén khí trục vít thông thường.
Công ty Cổ phần Tay máy Việt Nam mang đến các sản phẩm tay nâng trợ lực, thiết bị nâng hạ trợ lực do chính các kỹ sư trong nước nghiên cứu, sản xuất, bao gồm tay nâng trợ lực dạng cánh tay cứng 4 khâu, 3 khớp được thiết kế tinh gọn, khả năng trợ lực lên đến 99% lực nâng cần thiết. Thiết bị được tích hợp hệ thống trợ lực khí tự động, kiểm soát áp suất, khóa an toàn chống nhả kẹp trong vận hành.
Gian hàng của Nhật Bản thì tập trung vào sự phát triển của dòng máy ép nhựa chính xác, dựa trên công nghệ V-Line độc quyền và hệ thống đóng, kẹp khuôn (kết hợp giữa điện và thuỷ lực).
Trong khuôn khổ triển lãm còn diễn ra các hội thảo như Sản xuất thông minh về bền vững hướng tới mục tiêu Net – Zezo; Công nghệ tự động hóa và robot; Ứng dụng công nghệ in 3D trong sản xuất; Nâng cao hiệu suất động cơ góp phần bảo vệ môi trường;…
Triển lãm cũng tổ chức Cuộc thi Robot Challege lần thứ hai dành cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn TPHCM. Trong cuộc thi, các đội được giao nhiệm vụ vận hành robot tự hành để sắp xếp, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu mà không cần đến sự can thiệp của nhân công. Chương trình nhằm mục đích ươm mầm những tài năng sinh viên, nâng cao kiến thức, sáng tạo về lập trình robot tự hành chuyên dụng trong các nhà máy.