Tại hội thảo do Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế sẽ thảo luận xu hướng công nghệ hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực AI, ICT, IoT, Robotics; công trình dân dụng; khoa học y sinh; năng lượng tái tạo; khoa học vật liệu; chính sách và chiến lược kinh tế...

Hội thảo quốc tế VANJ 2022

Diễn ra trong ngày 26-27/11 tại Đại học Tokyo, Nhật Bản và trực tuyến qua Zoom/Slack,Hội thảo dự kiến có 16 phiên, trong đó có 1 phiên toàn thể “Đa dạng hoá vì một xã hội hoà nhập” và các phiên chuyên đề.

Trong đó, phiên chuyên đề ngành kỹ thuật điện và năng lượng "Towards 3D Energy Landscape: Digitalization, Decarbonization, Decentralization" thảo luận về đặc tính của hệ thống năng lượng đáp ứng yêu cầu 3D (số hóa, trung hòa carbon và phân tán) cũng như các động lực, công nghệ, kỹ thuật cốt lõi giúp hiện thực hóa được hệ thống năng lượng 3D này.

Phiên chuyên đề ngành điện tử “Very Large Scale Integration (VLSI) and 6G” thảo luận về xu hướng phát triển của các mạch tích hợp cực đại (VLSI) cho phép nhà thiết kế phần cứng có thể nhúng toàn bộ các thiết bị trên trên cùng một con chip và ứng dụng nó vào việc phát triển mạng viễn thông 6G. Nhiều chuyên gia tin rằng với nhu cầu ngày càng tăng, công nghệ VLSI sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành điện tử trong thời gian tới.

Phiên chuyên đề ngành xây dựng “Innovation for Eco-friendly and Long-life Infrastructures” đề cập những nghiên cứu về vật liệu, kết cấu, phương pháp thi công, phương pháp mới trong quản lý và đánh giá rủi ro thiên tai... nhằm giúp phát triển các cơ sở hạ tầng có tuổi thọ dài hơn và thân thiện với môi trường hơn.

Phiên chuyên đề ngành vật liệu "Quantum Materials Science" tập trung vào các vấn đề mới nổi như vật liệu lượng tử, vật liệu hai chiều và điện toán lượng tử. Các vật liệu này có các đặc tính độc đáo phải được giải thích bằng cơ học lượng tử chứ không phải lý thuyết cổ điển - chẳng hạn như tính siêu dẫn ở nhiệt độ cao, hiệu ứng Hall bất thường, hiệu ứng phân cực và từ tính cao ở nhiệt độ phòng. Chúng có tiềm năng lớn cho các ứng dụng khoa học và công nghệ trong tương lai. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng thảo luận về điện toán lượng tử - một công cụ để dự đoán các tính chất vật liệu mà giải Nobel Vật lý 2022 về rối lượng tử được kì vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.

Phiên chuyên đề ngành thú y và chăn nuôi bàn đến tiếp cận "One Health", đặc biệt là bài học từ Covid-19 dưới góc nhìn của khoa học động vật. Phiên thảo luận này nhằm mục đích kết nối các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực — sức khỏe cộng đồng, sức khỏe động vật và môi trường — để đưa ra những chiến lược và phản ứng chính sách hiệu quả nhằm ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh truyền từ động vật sang người trong tương lai.

Phiên chuyên đề ngành kinh tế và kinh doanh "Economic Policy Uncertainty" nói về các chính sách kinh tế trong bối cảnh bất định gần đây như Brexit, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine và việc tổ chức thương mại, quản lý chuỗi cung ứng, chính sách kinh tế nhằm đối phó với tác động của những sự kiện này lên các nước ASEAN.

Phiên chuyên đề ngành kỹ thuật và quản lý môi trường "Municipal environmental pollution and human health risks" dđề cập đến các rủi ro sức khỏe của các dòng ô nhiễm khác nhau, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quản lý môi trường và phát triển công nghệ để bảo tồn sinh thái ở các khu vực đô thị đang phát triển nhanh chóng.

Phiên chuyên đề "Organ-on-chips" sẽ bàn về một kỹ thuật liên ngành mới nổi để bắt chước sinh lý con người vào một hệ thống chip vi lỏng để xem xét tình hình sinh lý và bệnh lý của con người, đồng thời đánh giá tác động của những liệu pháp điều trị trong cơ thể. Hơn nữa, sinh lý học và bệnh lý cho mô hình bệnh trong ống nghiệm có thể thay thế sàng lọc thuốc động vật và hướng tới y học chính xác. Tại phiên thảo luận, các nhà khoa học sẽ trao đổi về những thách thức hiện có của mô hình Organ-on-chips để đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc.

Phiên chuyên đề "Microbiome" bàn đến các tương tác giữa vật chủ và hệ vi sinh vật gây ảnh hưởng đến bệnh tật, cũng như tiềm năng của việc sử dụng hệ vi sinh vật để chẩn đoán và điều trị bệnh.Một số chủ đề nghiên cứu hiện nay đang xem xét ảnh hưởng của vi sinh vật và các chất chuyển hóa đến sức khỏe con người, các yếu tố ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh sinh vật của một người, và việc phát triển men vi sinh làm thực phẩm chức năng.

Phiên chuyên đề "Sustainability Science" sẽ tạo cơ hội cho tất cả thảo luận kiến thức của các lĩnh vực khác nhau, nhằm thiết lập nền tảng hợp tác toàn cầu và địa phương để giải quyết các vấn đề phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, rủi ro thiên tai, đa dạng sinh học, năng lượng, kinh tế....

Phiên chuyên đề "Polymer Chemistry and Engineering for Sustainable Environment" hội tụ của khoa học polymer, hóa học môi trường và các lĩnh vực liên quan, nhằm xem xét vai trò của của nhựa trong tự nhiên và trong ứng dụng, đồng thời đánh giá ảnh hưởng của nó đối với hệ sinh thái và các nghiên cứu chiến lược hướng tới môi trường bền vững.

Phiên chuyên đề ngành "Robot & AI" thảo luận về việc AI vẫn gặp thách thức trong việc ứng dụng vào các ngành công nghiệp truyền thống, và tiềm năng sử dụng AI/robot trong các ngành khoa học khác, chẳng hạn như tâm lý học và khoa học thần kinh để điều tra hành vi của con người khi tương tác với các thiết bị, máy móc và robot.

Chủ trì và làm diễn giả tại Hội thảo có các nhà nghiên cứu, chuyên gia người Việt ở trong nước và nước ngoài hoặc người Nhật đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp như: Đại học Tokyo, Đại học Ritsumeikan, Đại học Quốc gia Yokohama, Đại học Điện tử - Truyền thông UEC, Đại học Gifu, Đại học Kyushu, Đại học Tohoku, Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia, Tập đoàn Nippon Koei, Tập đoàn Nissan (Nhật Bản); Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), Học Viện Khoa học Kỹ thuật Quân sự, Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, Đại học Bách khoa Đà Nẵng; Đại học Công nghệ Eindhoven (Hà Lan); Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore); Đại học Clarkson (Mỹ); Đại học Khoa học Công nghệ Quốc gia Đài Loan; Công ty Soitec Silicon (Pháp); Công ty Intel FPGA (Canada)...

Nội dung các phiên chuyên đề khác sẽ được cập nhật tại website VANJ Conference 2022.

Ban tổ chức dự kiến Hội thảo thu hút 500 người tham gia trực tiếp tại hội trường và khoảng 1.000 người tham dự trực tuyến.

Hội thảo do Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Trung tâm Nghiên cứu Spintronic thuộc Đại học Tokyo (CSRN) tổ chức, với sự phối hợp của Cộng đồng Y sinh (VBMC) và Mạng lưới Thú y trẻ Việt Nam (VYVN).

Đây là hội thảo quốc tế thường niên lần thứ năm của VANJ. Sau ba năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Ban tổ chức lựa chọn chủ đề năm nay là “Đa dạng hoá vì một xã hội hòa nhập” nhằm khám phá những cách thức phối hợp đa ngành - đa lĩnh vực giúp các nhân tố chủ động tham gia một cách tối ưu vào những hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, chính trị.