Sau 20 năm thành lập, Khu Công nghệ cao TPHCM SHTP hiện là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ của TPHCM.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập do Ban Quản lý SHTP tổ chức ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những thành tựu mà SHTP đạt được trong những năm qua. Bộ trưởng cho rằng, sự ra đời của SHTP đã góp phần làm thay đổi khu vực này từ chỗ chưa phát triển về hạ tầng giao thông, kinh tế xã hội dần trở thành một khu vực hiện đại. SHTP quy tụ những hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển, ươm tạo, đào tạo trong công nghệ cao có hiệu quả của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Chúng ta có thể thấy, hình dáng của một khu đô thị KH&CN mới của Việt Nam dần hình thành, làm hạt nhân và động lực phát triển cho việc xây dựng khu đô thị đổi mới sáng tạo và tương tác cao cho TP Thủ Đức", Bộ trưởng nói.
Tiếp đó, ông nhấn mạnh, Ban Quản lý SHTP cần xác định sứ mệnh kiến tạo các ngành công nghiệp mới cho quốc gia và vai trò đầu tàu về nghiên cứu và phát triển, ươm tạo doanh nghiệp, đào tạo nhân lực công nghệ cao,…. Ông cũng đề nghị SHTP mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù giúp củng cố, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động công nghệ cao.
Cuối cùng, ông khẳng định, Bộ KH&CN cam kết tiếp tục đồng hành với SHTP và các Khu Công nghệ cao khác trong việc tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để mô hình Khu Công nghệ cao quốc gia có thêm điều kiện phát triển thuận lợi về mặt pháp lý.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho biết, đến nay, SHTP đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12 tỉ USD. Trong đó, nguồn vốn nước ngoài (FDI) chiếm hơn 10 tỉ USD. SHTP hiện có 169 dự án, gồm: 70 dự án sản xuất công nghệ cao; 19 dự án dịch vụ công nghệ cao; 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Trong số đó, có nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao như Intel, Jabil (Mỹ); Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản);, Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italy)...
Ngoài ra, SHTP đã lấp đầy hơn 85% đất thương phẩm. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hằng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỉ USD (
chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TPHCM). Dự kiến, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỉ USD. Tổng lao động tại SHTP tính đến giữa năm nay là gần 52.000 người, bao gồm 570 lao động nước ngoài.
“Trong giai đoạn tới, SHTP tiếp tục củng cố, nâng câp các hệ sinh thái ngành công nghệ cao đã hình thành tại Khu (vi điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác, tự động hóa, vật liệu mới). Đồng thời, SHTP sẽ tập trung vào phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và là điểm nhấn, tạo sự khác biệt của Khu”, ông Thi cho biết.
Tọa lạc tại cửa ngõ Đông Bắc của TPHCM, SHTP được thành lập ngày 24/10/2002, là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập - bên cạnh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Khu công nghệ cao Đà Nẵng.