Ngày 6/8, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đã phối hợp với Sở KH&CN TPHCM tổ chức trực tuyến Hội nghị Khoa học trẻ lần thứ ba.
Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho biết, sau gần 7 tháng phát động, Hội nghị đã nhận được 774 báo cáo nghiên cứu của giảng viên trẻ, học viên cao học và sinh viên, thuộc 5 lĩnh vực Hóa – Sinh – Thực phẩm – Môi trường; Kinh tế; Công nghệ thông tin – Điện – Điện tử; Cơ khí – Động lực – Nhiệt lạnh – Xây dựng; Khoa học xã hội và Nhân văn. Trong đó, có nhiều nghiên cứu gắn với thực tiễn, giải quyết những vấn đề thuộc mối quan tâm của xã hội.
Các nghiên cứu có thể kể đến như “Nghiên cứu sản xuất phân bón NPK nhả chậm trên hệ Polimer tự nhiên”, với mục đích khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tạo hạt của phân bón nhằm tìm ra điều kiện tối ưu nhất để sản xuất phân bón NPK nhả chậm trên hệ polimer tự nhiên. Trong nghiên cứu này, cũng lần đầu tiên than bùn được sử dụng như một loại phụ gia thay vì sử dụng làm phân bón vi sinh như trước đây. Phân bón NPK 8-8-8 có khả năng nhả chậm chất dinh dưỡng là N = 0.47%, P = 0.09%, K = 0.26% sau 4 giờ phân hủy. Loại phân này không chỉ tăng hiệu suất sử dụng phân bón, mà còn có ý nghĩa trong việc hạn chế tác động của việc thất thoát phân bón đến môi trường.
Đề tài “Đánh giá hiệu quả sử dụng dung dịch bồ hòn, hỗ trợ cho quá trình tuyển nổi nhằm phân tích PVC từ hỗn hợp nhựa thải” đã nghiên cứu đã thành công trong việc tách PVC khỏi hỗn hợp các chất thải nhựa khác bao gồm PET và ABS bằng quá trình tuyển nổi, trong đó sử dụng dung dịch tạo bọt tự nhiên từ bồ hòn. Kết quả được ghi nhận khả năng phân tách PVC với độ thu hồi đạt 93,3% và độ tinh kiết đạt 100%. Nghiên cứu đã đóng góp thêm một phương pháp mới trong việc tách PVC khỏi hỗn hợp nhựa, góp phần nâng cao giá thành của sản phẩm tái chế, mặt khác nghiên cứu sử dụng dung môi tạo bọt từ bồ hòn không gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người.
Ngoài ra, còn nhiều nghiên cứu được các nhà khoa học trẻ IUH mang đến hội nghị như nghiên cứu chiết xuất từ vỏ trái chôm chôm cho thấy, chiết xuất này có khả năng ức chế mạnh 2 loại vi khuẩn Staphylococcus aureus (vi khuẩn tụ cầu gây nhiễm trùng), và Bacillus cereus (gây ngộ độc đường tiêu hóa); nghiên cứu ứng dụng IoT trong hệ thống quản lý và giám sát ngôi nhà thông minh theo thời gian thực; giải pháp nâng cao hiệu quả gia công xuất khẩu hàng may mặc của Công ty TNHH NYG;…
Kiều Anh