Thông tin trên được Shiok Meats thông báo với truyền thông hôm 21/7. Giá trị vốn góp của Vĩnh Hoàn trong gói series B không được cả Shiok lẫn Vĩnh Hoàn tiết lộ.
Bên cạnh 3 nhà đầu tư chính nêu trên, Shiok Meats còn được đầu tư bởi một số công ty và quỹ khác gồm IRONGREY (công ty gia đình tại Hàn Quốc chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ), Big Idea Ventures, Twynam Investments (Úc), Henry Soesanto, The Alexander Payne Living Trust (Mỹ), Beyond Impact Vegan Partners (châu Âu), Boom Capital Fund (Mỹ), Toyo Seikan Group Holdings (công ty sản xuất và đóng gói có trụ sở tại Nhật Bản) và Mindshift Capital (UAE).
Shiok Meats cho biết sẽ dùng khoản tiền vừa gọi được để đầu tư cho hoạt động R&D
cũng như xây dựng cơ sở sản xuất tại Singapore.
Kể từ khi được thành lập vào năm 2018 đến nay, Shiok Meats đã huy động được tổng cộng gần 30 triệu USD, bao gồm 12,6 triệu USD huy động trong vòng gọi vốn series A hồi tháng 11/2020.
Hai nhà sáng lập của startup này là TS Sandhya Sriram và TS Ka Yi Ling. Đội ngũ phát triển của Shiok Meats gồm hơn 30 nhà khoa học, kỹ sư, nhà công nghệ thực phẩm và chuyên gia kinh doanh.
Shiok mang tới công nghệ sản xuất thịt và hải sản dựa trên tế bào đầu tiên ở Đông Nam Á. Theo đó, các tế bào tôm được nuôi bằng dưỡng chất trong dung dịch ở môi trường 28 độ C sẽ sinh sôi và biến thành thịt tôm sau từ 4-6 tuần, có thể sử dụng như thực phẩm trong các bữa ăn.
Năm 2019, Shiok Meat đã giới thiệu nguyên mẫu thịt tôm hùm và thịt tôm dựa trên tế bào đầu tiên trong một buổi nếm thử độc quyền.
Theo lộ trình, sản phẩm của Shiok Meats sẽ ra mắt muộn nhất vào năm 2023. Giám đốc công nghệ của Shiok Meats, TS Ka Yi Ling, cam kết sẽ đưa loại thịt này vào nhóm các thực phẩm toàn cầu vào năm 2050.
Vĩnh Hoàn là công ty đầu tiên ở Việt Nam theo đuổi lĩnh vực 'thịt tôm nhân tạo'. Từ lĩnh vực kinh doanh ban đầu là gia công xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản và hàng giá trị gia tăng từ cá tra, cá basa, đến nay, Vĩnh Hoàn đã mở rộng thêm danh mục kinh doanh của mình như nuôi trồng, chế biến cá tra, gạo; sản xuất collagen...