Hà Nội: Từ ngày 10-20/3, toàn thành phố đã phá dỡ 2.657 bục bệ, cầu dẫn, cầu dắt xe; tháo dỡ 5.090 mái che, mái vẩy… chiếm dụng hè phố, lòng đường; thu giữ 1.425 biển quảng cáo, biển hiệu, 1.288 bộ bàn ghế... Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, trông giữ xe giảm rõ rệt. Trước đó, tại cuộc họp ngày 4/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tuyên bố Hà Nội sẽ không ra quân rầm rộ mà làm bền vững để người dân không tái lấn chiếm.
Biên Hòa, Đồng Nai: Ngày 8/3, UBND thành phố đã làm việc với lãnh đạo 30 phường, xã cùng các cơ quan liên quan để xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, đặt mục tiêu cuối tháng 4 sẽ giải quyết xong. Biên Hòa chú trọng công tác tuyên truyền đến người lấn chiếm để họ tự động khắc phục; các cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, đảng viên phải đi đầu trong việc trả lại vỉa hè. Các tuyến đường chính sẽ tập trung triển khai gồm: Võ Thị Sáu, Phan Trung, Trương Định, Đồng Khởi, Nguyễn Thị Tồn, Phạm Văn Thuận, CMT8, 30/4…
Hải Phòng: Nhiều quận nội thành, đặc biệt 3 quận Lê Chân, Hồng Bàng và Ngô Quyền đã đồng loạt mạnh tay để giành lại phần đường cho người đi bộ. Lãnh đạo các phường phải trực tiếp “dẫn quân” đi dẹp các điểm nóng, nhất là vỉa hè trước các cơ quan nhà nước, các nhà hàng, quán ăn... Sau khi “dọn dẹp” vỉa hè, các quận phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn việc tái lấn chiếm.
Bạc Liêu: Từ ngày 11/3, lực lượng chức năng thành phố Bạc Liêu đã triển khai lập lại trật tự trên vỉa hè. Cơ quan chức năng kêu gọi ý thức tự giác chấp hành, cam kết thực hiện của người dân và xử phạt theo quy định những trường hợp không làm đúng cam kết.
Nha Trang, Khánh Hòa: Ngày 1/4, thành phố triển khai lập lại trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị nhằm “đòi” lại vỉa hè. Buổi sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã xử lý 21 trường hợp đỗ ôtô sai quy định, 126 trường hợp buôn bán lấn chiếm vỉa hè, 2 trường hợp lập bãi trông giữ xe trái phép, 98 trường hợp để xe môtô, xe máy sai quy định.