PGS-TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam.
Xu hướng chung của thế giới là dùng nhiệt điện than (NĐT) để đáp ứng nhu cầu điện năng sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện. Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển mạnh về kinh tế, nhu cầu điện năng rất cao nên theo tôi không có giải pháp nào hợp lý hơn NĐT. Khi đất nước giàu hơn mới có điều kiện phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo, hạn chế dần NĐT.
Gần đây, một số ý kiến cho rằng việc Việt Nam tiếp tục phát triển NĐT là không phù hợp do tác động xấu đến môi trường. Thực ra, phần lớn các nhà máy NĐT của Việt Nam đang áp dụng công nghệ hiện đại ngang tầm thế giới nên độ an toàn tương đối cao; còn các công nghệ thật hoàn hảo, tối tân có giá rất cao. Lựa chọn công nghệ có mức giá mà cả nền kinh tế và môi trường đều chấp nhận được, đảm bảo phát triển bền vững là bài toán mà người làm môi trường, sản xuất phải giải quyết bằng cách đưa lên bàn cân để đánh giá .
Một vấn đề khác là sự bất cập trong xử lý tro xỉ - được các nhà máy thải ra hàng triệu tấn mỗi năm. Đây là nguồn nguyên liệu quý nhưng hiện không được sử dụng mà bị coi là chất thải, trong khi việc xử lý tro xỉ và các vấn đề môi trường liên quan khá tốn kém. Khắc phục sự lãng phí rất lớn này là việc của đất nước chứ không riêng các nhà máy điện bởi nó đòi hỏi Nhà nước cùng vào cuộc bằng các chính sách như cấm hoàn toàn sản xuất gạch nung, ưu đãi sử dụng tro (sử dụng chất thải) bằng các chính sách miễn giảm thuế, phí...
Nếu Nhà nước có chính sách buộc các doanh nghiệp sử dụng hết tro xỉ thì sẽ không ảnh hưởng đến môi trường. Nếu toàn bộ tro xỉ được sản xuất thành vật liệu xây dựng như gạch không nung thì vừa tạo thêm việc làm, vừa giảm khai thác đất sét làm nguyên liệu, giảm giá thành gạch. Chính phủ đã có chủ trương, chính sách phát triển gạch không nung nhưng chưa được thực hiện triệt để. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần vào cuộc sát sao hơn.