Tại buổi khai mạc hội chợ hoa xuân Gia Lâm chiều 5/2, PGS-TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (FAVRI) cho biết: "Điểm nhấn của hội chợ hoa là những màn "siêu trình diễn" về một số chủng loại hoa mới cũng như quy trình công nghệ sản xuất hoa".

Được biết, hội chợ hoa xuân Gia Lâm lần thứ 3 (năm 2018) do UBND huyện Gia Lâm - Hà Nội và Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp tổ chức (diễn ra từ ngày 05/2/2018 đến 14/2/2018 tại Khu đô thị Trâu Quỳ).

Tại đây giới thiệu nhiều giống hoa mới đã được nghiên cứu, tuyển chọn và áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến, do chính các cán bộ Viện nghiên cứu Rau quả tạo ra.

Gian hàng giới thiệu các giống lan công nghệ cao của Viện Nghiên cứu Rau quả.

Quy mô hội chợ rộng 2,2 ha bao gồm hơn 100 gian hàng gồm nhiều giống hoa mới, đẹp, lạ, khó tính đã được trồng trình diễn như: lan hồ điệp LVR2, ban mai hồng, lan hồ điệp thơm LVR6... với màu sắc mới lạ, hoa địa lan bản địa hoàng vũ, thanh ngọc, hương cát cát, các giống hoa lan đai châu GL2-4, GL2-5 mới lai tạo..., cây hoa đào 3 màu, hoa lily lùn trồng chậu, hoa tulip, hoa mai Yên tử trồng tại Hà Nội, hoa lay ơn LO6, hoa báo xuân, dạ yến thảo, hoa đồng tiền lùn ..

PGS Đặng Văn Đông cho biết, tại hội chợ du khách không chỉ mãn nhãn chiêm ngưỡng hoa đẹp mà còn được tận mắt, chứng kiến quá trình trồng, chăm sóc, điều khiển sinh trưởng cho các loại hoa khó tính nở hoa theo ý muốn. Có những chậu hoa mang tính đẳng cấp cho dân sành hoa như: địa lan Sapa, địa lan Hàn Quốc, lan hồ điệp... giá vài triệu đồng, nhưng cũng có nhiều loại chậu hoa lạ chưa từng có ở Việt Nam thì nay đã xuất hiện như tiên ông, ngọc thảo, báo xuân, tulip, cúc chậu, đồng tiền lùn.. chỉ có giá vài chục nghìn đồng/chậu.

"Hội chợ là sự kết hợp giữa các nghệ nhân tại các làng nghề của Gia Lâm với cơ quan khoa học là Viện nghiên cứu Rau quả. Vì vậy, chúng ta thấy ở hội chợ có sự kết hợp giữa truyền thống, tinh túy từ bàn tay nghệ nhân làm ra và cả những sản phẩm mới nghiên cứu, lai tạo của các nhà khoa học, các giống hoa vừa độc đáo vừa hấp dẫn nên thu hút được rất nhiều các du khách đến thăm" - ông Đông nói.

Ngoài các sản phẩm về hoa, cây cảnh mang tính mới, hội chợ còn có các mặt hàng khác là các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống của huyện Gia Lâm như cây cảnh nghệ thuật, cây thế bon sai, gốm sứ Giang Cao, Bát Tràng, Kim Lan...

PGS - TS Đặng Văn Đông phát biểu khai mạc hội chợ.

PGS Đông cho biết, hội chợ hoa cũng là nơi quy tụ đại diện của bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông cùng tham gia trên một sân chơi thống nhất. Thành công của Hội chợ sẽ mở ra một tiền đề cho việc tổ chức các sự kiện Festival hoa cho Hà Nội vào những năm sau và mở ra triển vọng phát triển hơn nữa trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất hoa, cây cảnh của Việt Nam.

Một chậu lan hồ điệp có giá 25 triệu đồng.

PGS Đông chia sẻ thêm, số lượng hoa lan được sản xuất tại Viện Nghiên cứu Rau quả tuy không nhiều (khoảng vài vạn cây) nhưng Viện đã chuyển giao và xây dựng nhiều mô hình sản xuất cho người dân. Trong năm 2017, các hộ dân sản xuất, các HTX ứng dụng quy trình công nghệ của Viện đã nhân được khoảng 1 triệu cây lan hồ điệp, hơn 10 triệu hoa lyli, 2 triệu hoa tuylip và nhiều giống hoa khác. Thời gian tới, Viện sẽ tập trung vào công tác bảo hộ giống để xác nhận bản quyền của mình.

Đánh giá về xu hướng phát triển hoa công nghệ cao, GS - TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương khẳng định, Việt Nam rất có tiềm năng phát triển hoa công nghệ cao. Nếu Việt Nam tập trung đầu tư cơ sở vật chất và đầu tư nghiên cứu cho sản xuất hoa công nghệ cao sẽ mở ra 1 hướng đi mới cho ngành hoa Việt Nam, đó là hướng tới xuất khẩu cho những thị trường khó tính.

Lối đi vào trung tâm hội chợ là những chậu hoa lay ơn do chính PGS Đông cùng các cộng sự lai tạo và nhân giống, trồng thành công. Ưu điểm của giống hoa này là to đẹp và bền phù hợp với điều kiện thích hợp ở Việt Nam không bị khô đầu lá. Số lượng hoa trên cành tới 17 – 18 hoa/ cành.

Hoa tuy lip.

Ngoài ra, hội chợ còn tổ chức bình tuyển “người trồng hoa đẹp nhất” “gian hàng hoa đẹp nhất “ và “người có bàn tay khéo nhất” hứa hẹn nhiều điều mới lạ góp phần định hướng phù hợp cho tương lai ngành hoa. Đồng thời, trong thời gian diễn ra hội chợ cũng sẽ có cuộc giao lưu kỹ thuật và biểu diễn văn nghệ giữa các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực hoa của Việt Nam với các nông dân trồng hoa của huyện Gia Lâm và các địa phương khác.

Những cành địa lan khoe sắc rạng rỡ.