Kế hoạch quản lý chất lượng không khí Hà Nội vừa được thông qua, đặt mục tiêu nâng số ngày không khí tốt trong năm từ mức xấp xỉ 70% vào năm 2019 lên mức 75-80% vào năm 2030.
Kế hoạch tham vọng mới
Ngày 11/4, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức hội thảo “Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội - Hợp tác và Hành động”, với sự tham gia của gần 70 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý cấp sở ngành, cơ quan nghiên cứu và tổ chức quốc tế (USAID, AFD).
Tại hội thảo, Sở TN&MT đã giới thiệu chi tiết kế hoạch quản lý chất lượng không khí mà UBND thành phố vừa thông qua tại Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 02/3/2024.
Theo đó, Hà Nội đưa ra các mục tiêu quan trọng cần đạt đến năm 2030, bao gồm hai chỉ tiêu đo lường quan trọng: giảm mức độ ô nhiễm không khí để đảm bảo ít nhất 75-80% số ngày trong năm có
chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình; và giảm 20% lượng phát thải bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính trên toàn thành phố so với năm cơ sở 2019.
AQI là thước đo đơn giản biểu hiện mức độ không khí tốt-xấu và mối liên hệ của chúng tới sức khỏe con người. Được quy đổi từ nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, AQI có 6 mức: Tốt (0-50), Trung bình (51-100), Kém (101-150), Xấu (151-200), Rất xấu (201-300), và Nguy hại (300+).
- Những ngày có chỉ số AQI tốt và trung bình, người sức khỏe bình thường có thể tự do thực hiện các hoạt động ngoài trời, còn nhóm nhạy cảm vẫn có thể hoạt động ngoài trời nhưng sẽ chịu một số tác động nhất định tới sức khỏe.
- Những ngày có chỉ số AQI từ mức Kém trở lên, tất cả mọi người được khuyến nghị nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời, và nhóm nhạy cảm, đặc biệt là những người mắc bệnh hen suyễn, được khuyên rằng nên ở trong nhà, chú ý theo dõi sức khỏe hoặc sử dụng thuốc thường xuyên hơn.
Chất lượng không khí có mối liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Một
nghiên cứu năm 2016 cho biết khi nồng độ PM10 và PM2.5 tăng lên 10 µg/m3 thì số ca nhập viện vì hô hấp của trẻ em ở Hà Nội cũng tăng tương ứng 1,4% và 2,2%. (Số liệu lịch sử của các trạm quan trắc chuẩn tại Hà Nội cho thấy mức PM 2.5 trung bình ngày có thể dao động từ 20-140 µg/m3. Giới hạn cho phép theo luật Việt Nam là 50 µg/m3 trung bình ngày)
Một nghiên cứu mới hơn cho thấy năm 2019, Hà Nội có thể đã có khoảng
2.800 ca tử vong ở người trưởng thành liên quan đến ô nhiễm không khí.
“Giảm các ngày ô nhiễm không khí là một việc làm cấp bách. Năm 2019, số ngày có AQI ở mức tốt và trung bình vào khoảng 70%. Chúng tôi đặt mục tiêu nâng con số này lên 75-80% vào năm 2030. Khoảng này cũng nằm trong Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí cho các thành phố lớn như Hà Nội,” bà Lê Thanh Thủy, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hà Nội, nói với phóng viên Khoa học & Phát triển/Tia Sáng tại Hội thảo sáng 11/4.
Mục tiêu này được đánh giá là tham vọng nhưng cần thiết để đạt được những kết quả tích cực hơn trong tương lai. Suy cho cùng, 75% số ngày chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình cũng có nghĩa là vẫn còn 25% số ngày trong năm (khoảng 90 ngày) người dân phải hít thở bầu không khí ô nhiễm. Mục tiêu của Kế hoạch không khí Hà Nội là thu hẹp dần những ngày tồi tệ như vậy, ít nhất là bằng những can thiệp mà con người có thể thực hiện.
Giảm 20% nguồn thải
Điều này dẫn đến mục tiêu thứ hai trong Kế hoạch lớn của Hà Nội: giảm 20% lượng phát thải bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính trên toàn thành phố so với năm cơ sở 2019.
Sở TN&MT và các nhà khoa học đã khoanh vùng xác định năm nguồn thải bụi PM2.5 tại Hà Nội và mức độ đóng góp của chúng. Tuỳ vào từng thời điểm, mức độ đóng góp của các nguồn chiếm tỷ lệ khác nhau.
Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) đóng góp nhiều nhất (từ 58% - 74%); tiếp đến là nguồn công nghiệp (từ 14% - 23%), nguồn nông nghiệp (từ 3,4% - 18,9%), nguồn dân sinh (6,2%) và nguồn đốt rác (2,2%).
Ô nhiễm không khí của Hà Nội còn chịu ảnh hưởng từ các nguồn bên ngoài thành phố (các tỉnh lân cận và xuyên biên giới), nhưng năm nguồn kể trên thuộc phạm vi thẩm quyền của thành phố, và sẽ là những nguồn thải mà Kế hoạch hành động của Hà Nội nhắm thẳng đến.
Trên thực tế, 3/7 giải pháp mà Kế hoạch hành động của Hà Nội đến năm 2030 đưa ra là nhắm đến việc kiểm soát phát thải của những nguồn chính này. Hai nhiệm vụ khác liên quan đến tăng cường hiệu quả quản lý, và hai nhiệm vụ cuối cùng liên quan đến tăng cường sự tham gia của các bên.
- Đối với nguồn giao thông, Hà Nội sẽ thực hiện bảy chương trình do Sở GTVT và Sở TN&MT phụ trách, gồm: Kiểm định, kiểm soát khí thải (ô tô và xe máy); Đẩy mạnh giao thông công cộng (xe bus, metro, xe đạp công cộng...); Xây dựng các vùng phát thải thấp (low emission zone); Phân vùng hạn chế xe máy và thu phí phân vùng; Khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch hơn (xe điện ...); Phun nước rửa đường tại các tuyến giao thông chính; Điều tiết phân luồng giao thông để giảm ùn tắc.
- Đối với nguồn sản xuất công nghiệp, Hà Nội sẽ thực hiện bốn chương trình do Sở Công Thương và Sở Xây dựng phụ trách, gồm: Tiết kiệm năng lượng; Phát triển năng lượng tái tạo; Tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững; Tăng cường sử dụng vật liệu sạch.
- Đối với nguồn nông nghiệp, Hà Nội sẽ thực hiện ba chương trình do Sở NN&PTNT phụ trách, gồm: Xử lý chất thải rắn trong sản xuất nông nghiệp (rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi và thủy sản); Giảm khí thải từ máy móc canh tác thông qua khuyến khích sử dụng nhiên liệu và thiết bị sạch hơn; Giảm nguồn thải Amoniac và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOCs (thông qua giảm dùng phân bón hóa học.v.v).
- Đối với nguồn năng lượng, Hà Nội sẽ thực hiện hai chương trình do Sở Công Thương phụ trách, gồm: Chuyển đổi năng lượng bền vững (khuyến khích sử dụng điện mặt trời mái nhà); Chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch hơn đối với nồi hơi và lò nung ở các làng nghề.
- Đối với nguồn xây dựng, Hà Nội sẽ thực hiện một chương trình do Sở Xây dựng phụ trách, gồm: Kiểm soát bụi xây dựng thông qua tăng cường kiểm tra, giám sát công trình thi công.
- Đối với nguồn chất thải rắn/rác thải, Hà Nội sẽ thực hiện ba chương trình do Sở TN&MT và UBND các quận, huyện, thị xã phụ trách, gồm: Giảm rác thải sinh hoạt nhờ việc thân loại, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt tốt hơn; Giám sát hoạt động của các lò đốt rác; và Kiểm soát hoạt động đốt rác tự phát trên địa bàn Hà Nội.
Bà Lê Thanh Thủy nhận xét: “Trên thực tế, các nhiệm vụ này đều do các Sở tự đề xuất lên chính quyền và họ cũng có kế hoạch, nguồn lực để thực hiện. Do vậy tính khả thi của chúng sẽ cao hơn”,
Bà cũng tiết lộ, để hỗ trợ cho những hoạt động giảm nguồn thải và phục vụ việc quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội, ngay trong năm 2024, Sở TN&MT sẽ cùng các chuyên gia và các bên liên quan kiểm kê nguồn thải và hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu để theo dõi các nguồn thải trong dài hạn.
“Các nghiên cứu trước đó - bao gồm nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học, nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và nghiên cứu mà Sở TN&MT đã đặt hàng - cung cấp bằng chứng quý giá về tình hình ô nhiễm của Hà Nội. Nhưng chúng là những nghiên cứu khác nhau ở từng thời điểm khác nhau và sử dụng những phương pháp tiếp cận khác nhau. Do vậy, chúng chưa thật liền mạch và đồng bộ cho công tác quản lý lâu dài. Chúng tôi thực sự cần xây dựng một hệ thống của riêng mình”, bà Thủy nói.