Một nghiên cứu mới cho thấy những người có thu nhập cao và an toàn nhất lại không phải là những người sẵn lòng chi trả cho các chương trình cải thiện chất lượng không khí công cộng.
Theo
nghiên cứu do các nhà khoa học tại Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị của Đại học Kinh tế Quốc dân, tiến hành, nhìn chung, những người càng cảm nhận được lợi ích cá nhân cao từ các chương trình cải thiện chất lượng không khí thì càng có khả năng ủng hộ các chương trình loại bỏ ô nhiễm không khí.
Khi đối mặt với những lựa chọn chi trả để cải thiện chất lượng không khí hoặc giữ nguyên tình trạng hiện tại, những người lớn tuổi, dễ bị ảnh hưởng sức khỏe bởi ô nhiễm không khí có xu hướng chọn một kịch bản cải thiện chất lượng không khí hơn những người trẻ tuổi khác. Tuy nhiên xu hướng này bắt đầu giảm dần từ sau 74 tuổi.
Những người hút thuốc hoặc từng có tiền sử bệnh hô hấp cũng muốn cải thiện chất lượng không khí hơn những người xung quanh.
Gia đình có con nhỏ, người già, hoặc đông thành viên càng có khả năng chọn các phương án cải thiện chất lượng không khí. Nhưng nếu trong tình trạng không có thu nhập tốt hoặc không có bảo hiểm bổ sung thì họ cũng có xu hướng lựa chọn các phương án giữ nguyên hiện trạng không khí như bây giờ.
Trong khi những người thường xuyên phải đi lại trên đường thường lựa chọn các kịch bản giữ nguyên hiện trạng (có thể vì họ có những biện pháp đối phó cá nhân như dùng khẩu trang), những người tiếp xúc với các nguồn thải công nghiệp mong muốn có một chương trình cải thiện công cộng hơn vì họ tin rằng phải có sự can thiệp của chính quyền mới đủ sức tác động tới những nguồn thải lớn như vậy.
Người đã gắn bó với Hà Nội trong thời gian dài (trên 25 năm) có xu hướng lựa chọn giữ nguyên tình trạng như hiện tại, trong khi những người mới sống ở Hà Nội một thời gian sẽ mong muốn cải thiện tình hình ô nhiễm không khí hơn.
Thông thường, chúng ta tin rằng chỉ những người có trình độ học thức cao và thu nhập lớn mới quan tâm đến vấn đề cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, một kết quả phản trực quan trong khảo sát cho thấy những người có trình độ học vấn rất cao (ít nhất 12,5 năm giáo dục) và thu nhập trên 90 triệu/tháng có thể ít cần đến những chính sách công để giảm thiểu rủi ro sức khỏe của ô nhiễm không khí hơn. Điều này có thể lý giải bằng việc họ có khả năng tự đầu tư cho những phương án bảo vệ cá nhân và gia đình (ví dụ, mua máy lọc không khí, đi ô tô, chuyển nhà đến những nơi tốt hơn,…) nên họ cũng giảm nhu cầu đối với các giải pháp công.
Từ dữ liệu khảo sát và mô hình phân tích lớp tiềm ẩn, các nhà nghiên cứu chia những người khảo sát thành 4 nhóm đặc trưng.
Nhóm 1 có trình độ văn hóa cao; gia đình ít trẻ nhỏ, người già; các thành viên trong nhà chưa từng bị bệnh hô hấp và không tin nhiều vào hiệu quả của chính quyền. Những người này có xu hướng lựa chọn các biện pháp riêng để bảo vệ những thành viên dễ bị tổn thương trong gia đình khỏi những nguy cơ sức khỏe của ô nhiễm không khí, do đó họ thể hiện những hỗ trợ tối thiểu đối với một chương trình công nhằm cải thiện chất lượng không khí. Nhóm này chiếm khoảng 30,5% số người khảo sát và là nhóm duy nhất có tính toán về mức sẵn lòng chi trả mang giá trị âm.
Nhóm 2 bày tỏ sự ủng hộ tương đối thấp đối với việc cải thiện chất lượng không khí. Họ thường là những gia đình tương đối ít người so với các nhóm khác. Quy mô hộ gia đình nhỏ có thể lý giải cho mức sẵn lòng chi trả tính theo hộ gia đình thấp hơn so với hai nhóm còn lại. Nhóm này chiếm khoảng 20,5% số người khảo sát.
Nhóm 3 – chiếm số lượng tương đối lớn, tới 30% - là những người có mức độ sẵn sàng chi trả cao nhất cho các biện pháp cải thiện chất lượng không khí công cộng. Có thể do thực tế là những người trả lời của nhóm này tương đối trẻ và phải chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong gia đình. Những người này cũng tin rằng họ sẽ đạt được những lợi ích cá nhân cao từ chương trình cải tiến, trong khi những người ở nhóm 2 có mức độ quan tâm tới lợi ích cá nhân ít hơn.
Những người ở nhóm 4 - chiếm khoảng 19% - cũng có mức độ sẵn sàng chi trả tương đối lớn. Đây là những người có đông thành viên gia đình, đã từng ốm phải nhập viện do bệnh hô hấp, đồng thời có sự tin tưởng cao đối với năng lực triển khai của cơ quan quản lý nhà nước. Không chỉ thể hiện sự ủng hộ dựa trên lợi ích cá nhân, những người này cũng có động lực vì lợi ích cộng đồng mạnh mẽ đằng sau sự đóng góp cho các giải pháp công, thể hiện ở chỗ những câu trả lời về lợi ích cá nhân của họ thấp hơn hẳn so với các nhóm còn lại.
Theo TS. Nguyễn Công Thành, tác giả chính của nghiên cứu, gần 70% người trả lời thuộc các nhóm 2,3,4 đã thể hiện mức độ sẵn lòng chi trả cho việc cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội.
Nghiên cứu giới thiệu 12 kịch bản cải thiện chất lượng không khí và mức giá phải trả đi kèm để lựa chọn cho hơn 1.000 hộ gia đình ở 6 quận, huyện. Mỗi kịch bản được mô tả thành những thuộc tính rất cụ thể về lợi ích cộng đồng từ việc giảm ô nhiễm không khí. Đổi lại, người dân phải trả chi phí thông qua các hình thức gián tiếp, ví dụ tăng hóa đơn tiền điện hàng tháng.
Kết quả cho thấy, người dân Hà Nội sẵn sàng chi trả cho kịch bản cải thiện tối đa từ 80.000–420.000 đồng/tháng, tương đương 0,16–1,88% thu nhập hộ gia đình.
Kịch bản cải thiện tối đa sẽ giúp đạt tỷ lệ người nhập viện vì ô nhiễm không khí 150/100.000 dân (giảm 200 người so với hiện tại), tỷ lệ người tử vong vì ô nhiễm không khí 20/100.000 dân (giảm 30 người so với hiện tại), và nâng cao diện tích cây xanh đô thị lên 18m2/người (tăng 10m2 so với hiện tại).
Có tới 4,76% số người được hỏi cho rằng những lựa chọn của họ sẽ “chẳng có bất kỳ ảnh hưởng gì” đến quyết định của các nhà hoạch định chính sách. Điều này phản ánh sự thiếu tin tưởng của một bộ phận dân chúng vào hiệu quả hành động của chính quyền địa phương trong vấn đề xử lý ô nhiễm không khí. |