Tính toán dựa trên một hàm nguy cơ sức khỏe cho thấy, ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 có thể đã gây ra hơn 2.800 ca tử vong sớm ở Hà Nội trong năm 2019; và nếu nồng độ bụi được kiểm soát, tuổi thọ trung bình của người dân có thể tăng thêm ít nhất 2-3 năm.

Các số liệu trên được công bố trong Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu "Tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019” diễn ra trực tuyến ngày 12/8. Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động dài hạn của ô nhiễm không khí, cụ thể là PM2.5 đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.

Nghiên cứu do Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH), Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) thực hiện.

Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và các nguy cơ liên quan đến chế độ dinh dưỡng.

Các kết quả tính toán do nhóm nghiên cứu thực hiện chỉ ra rằng nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2019 của tất cả quận, huyện và thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đều cao hơn từ 1,1 - 1,5 lần so với mức quy chuẩn của Việt Nam (25μg/m3) và gấp từ 2,8 - 3,9 lần so với mức không khí sạch khuyến nghị của WHO (10 μg/m3).

Các quận nội thành như Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2.5 cao nhất - đây là những khu vực tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Các huyện ngoại thành có nồng độ bụi PM2.5 thấp hơn, nhưng ngay cả Ba Vì là nơi không khí "sạch" nhất cũng đã bị ô nhiễm.

Hàng nghìn ca tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí

Để bóc tách số ca tử vong vì ô nhiễm bụi PM2.5, nhóm nghiên cứu của ĐH Y tế công cộng đã sử dụng mô hình tử vong toàn cầu - GEMM (Global Exposure Mortality Model) với nhiều dữ liệu đầu vào gồm: bản đồ nồng độ phơi nhiễm bụi PM2.5 cấp quận/huyện do ĐH Công nghệ tính toán, số liệu tử vong và nhập viện được ghi nhận trong hệ thống y tế của Hà Nội, cùng các dữ liệu dân cư khác.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được hàm nguy cơ sức khỏe (Relative Risk) ước tính cho Hà Nội. Hàm số này cho biết cứ mỗi 10 µg/m3 nồng độ bụi PM2.5 tăng thêm trong không khí thì nguy cơ tử vong hoặc nhập viện của cộng đồng - sau khi hiệu chỉnh với các yếu tố khác như dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu bia…- sẽ tăng thêm bao nhiêu.

Chia sẻ với Báo KH&PT, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung, trưởng nhóm nghiên cứu về sức khỏe của báo cáo trên, cho biết: "Một khi xây dựng được hàm nguy cơ sức khỏe đặc trưng này cho Hà Nội thì hằng năm, chúng ta có thể dễ dàng tính toán và theo dõi tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng."

Nó cũng sẽ góp phần cho việc đánh giá hiệu quả của các chính sách cải thiện chất lượng không khí mà Hà Nội đang và sẽ thực hiện trong tương lai.

Nguồn: “Báo cáo Tác động Ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019”
Nguồn: “Báo cáo Tác động Ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019”

Theo tính toán dựa trên hàm sức khỏe, năm 2019 Hà Nội có thể đã có khoảng 2.855 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, tương đương 12% số ca tử vong sớm ở người trưởng thành trên 25 tuổi của thành phố. Trung bình cứ 100.000 dân thì có khả năng có 35,5 người tử vong vì ô nhiễm bụi PM2.5.

Con số này khá cao so với trung bình của cả Việt Nam và các thủ đô nổi tiếng ô nhiễm khác như Bangkok, Bắc Kinh. Phơi nhiễm với không khí bị ô nhiễm có thể khiến tuổi thọ trung bình của người dân thủ đô giảm đi khoảng 2,49 năm.

So với khu vực có mức nền không khí "sạch" nhất ở Ba Vì, người dân ở những khu vực khác - đặc biệt là các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa - phải đối mặt với nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao hơn, dẫn đến số ca nhập viện vì ô nhiễm không khí gia tăng.

Theo ước tính từ hàm nguy cơ, trong năm 2019, Hà Nội có thể đã có khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch và khoảng 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp gia tăng do phơi nhiễm với bụi PM2,5.

Các tác giả cho biết những kết quả trong nghiên cứu này có thể thấp hơn so với mức tác động “thực tế” do sự thiếu hụt về dữ liệu tử vong ghi nhận ở các bệnh viện và sai số đối với số liệu từ các trạm quan trắc không khí tại Hà Nội.

Cải thiện không khí làm người dân sống lâu hơn

Bên cạnh thực trạng về gánh nặng bệnh tật, các nhà nghiên cứu cũng tính toán những lợi ích sức khỏe nếu nồng độ bụi PM2.5 ở Hà Nội được kiểm soát ở các mức độ khác nhau.

Cụ thể, nếu nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội năm 2019 giảm xuống bằng mức quy chuẩn Việt Nam, số ca tử vong sớm trong năm sẽ giảm 2.575 ca và tuổi thọ trung bình của người dân tăng thêm 2,22 năm.

Mặt khác, nếu nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội được đưa về mức tốt hơn như khuyến nghị của WHO, số ca tử vong sớm trong năm sẽ giảm 4.222 ca và tuổi thọ trung bình của người dân tăng thêm 3,88 năm.

Dưới đây là một vài con số trích rút từ báo cáo:

Tác động ô nhiễm không khí PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng ở Hà Nội | Ảnh: Live&Learn

Tác động ô nhiễm không khí PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng ở Hà Nội | Ảnh: Live&Learn

Tác động ô nhiễm không khí PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng ở Hà Nội | Ảnh: Live&Learn