Giải thưởng Trần Đại Nghĩa có hai tiêu chí lớn nhất, đó là các đề cử phải đạt kết quả khoa học ở trình độ cao và phải chứng tỏ được tính ứng dụng, hiệu quả lâu dài.

GS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Ảnh: MH
GS.TS. Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, tại buổi họp báo. Ảnh: MH

Bắt đầu từ năm 2015, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được tổ chức ba năm một lần nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc về khoa học tự nhiên và công nghệ.

Tại buổi lễ phát động Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025diễn ra vào ngày 8/8, GS.TS. Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, đây là lần thứ ba Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được tổ chức.

Giải thưởng tiếp tục tìm kiếm các nhà khoa học người Việt Nam và người nước ngoài có thành tựu xuất sắc về khoa học tự nhiên và công nghệ trong chín lĩnh vực, gồm: Toán học, Cơ học, Khoa học thông tin và máy tính, Vật lý, Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất, Khoa học biển, Khoa học môi trường và năng lượng.

Nếu như một số giải thưởng khoa học công nghệ khác tại Việt Nam như Giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ KH&CN hướng đến các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản, thì Giải thưởng Trần Đại Nghĩa đề cao các công trình khoa học và công nghệ ứng dụng.

Chia sẻ về điểm khác biệt của giải thưởng, GS.TS. Nguyễn Đại Hưng - Chủ tịch Hội đồng Khoa học chuyên ngành vật lý và cơ học của Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, cho biết, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa có hai tiêu chí lớn nhất.

Thứ nhất, công trình nghiên cứu phải đạt được kết quả khoa học ở trình độ cao, có tính đột phá, thể hiện ở các công bố trên tạp chí khoa học hoặc được cấp văn bằng sở hữu trí tuệ trong nước hoặc quốc tế.

Thứ hai, “tiêu chí quan trọng hơn và khó hơn”, các công trình này phải chứng tỏ được tính ứng dụng, hiệu quả lâu dài, được triển khai ứng dụng rộng rãi, phục vụ trực tiếp đời sống xã hội cũng như trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Các nhà khoa học trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: MH
Các nhà khoa học trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: MH

Thực tế, việc đưa các nghiên cứu vào ứng dụng thành công trong thực tế vẫn luôn là một bài toán không dễ dàng tại Việt Nam.

"Các đề tài khi triển khai ứng dụng thì có một vướng mắc là: các nhà khoa học được đào tạo ra để nghiên cứu khoa học, muốn triển khai thì thường phải có kiến thức về kinh doanh. Các quốc gia trên thế giới thường có tổ chức trung gian hỗ trợ cho công việc đấy, nhưng ở Việt Nam thì mảng này còn yếu", PGS.TS Phan Tiến Dũng - Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) - cơ quan thường trực giải thưởng - cho biết.

Bên cạnh đó, "chính sách của nhà nước về phát triển thị trường khoa học và công nghệ cũng chưa đồng bộ, là một rào cản khó khăn khác cho các nhà khoa học", ông nói thêm.

Trong bối cảnh như vậy, việc xác định chủ đề nghiên cứu từ nhu cầu thực tiễn của xã hội là một trong những giải pháp để công trình nghiên cứu có nhiều khả năng được ứng dụng hơn.

Là một trong những nhà khoa học đã được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa cho “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam”, PGS.TS. Đinh Duy Kháng (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định: “Nếu như chúng ta định hướng ngay từ ban đầu để những nghiên cứu khoa học bám sát vào thực tiễn của sản xuất, xã hội và an ninh quốc phòng thì việc đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn không phải là điều quá khó khăn".

Ban tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025 từ ngày 1/10/2024 đến 31/12/2024.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào tháng 5/2025, với từ 1-3 giải, phần thưởng tiền mặt mỗi giải tương đương ít nhất 1.000 lần mức lương cơ sở (tức vào khoảng 230 triệu đồng).

Xem thêm thông tin về giải thưởng tại website: https://vast.gov.vn/web/guest/gioi-thieu-chung2

Trong hai lần tổ chức trước (năm 2016 và 2019), Giải thưởng đã được trao cho sáu công trình của 14 nhà khoa học có các thành tựu xuất sắc nhất về khoa học tự nhiên và công nghệ. Các công trình này là kết quả của một quá trình nghiên cứu dài lâu, thể hiện tính khoa học ở các công trình công bố cũng như bằng độc quyền sáng chế hoặc quyết định của Chính phủ cho phép đưa vào thực tiễn và ứng dụng rộng rãi, phục vụ trực tiếp đời sống xã hội cũng như trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Các công trình đã được trao giải bao gồm:

1. “Ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuấtvaccinephòng bệnh cho người” của nhóm tác giả cố GS.TSKH. Hoàng Thủy Nguyên và cố GS.TSKH. Đặng Đức Trạch (Viện Vệ Sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y Tế).

Đây là công trình đã được ứng dụng trong các sản phẩm vaccine dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Nhờ đó, hàng triệu trẻ em Việt Nam có thể tránh được những di chứng, tật nguyền nặng nề và phòng được dịch bệnh nguy hiểm do virus gây nên.

2. “Công nghệ sản xuất tinh quặng sắt, thép và vật liệu xây dựng không nung từ bùn đỏ” của nhóm tác giả TS. Vũ Đức Lợi (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và TS. Nguyễn Văn Tuấn (Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng).

Công trình có ý ứng dụng thực tiễn phục vụ môi trường và đời sống của nhân dân vùng Tây Nguyên cũng như có ý nghĩa lớn về an ninh quốc phòng. Kết quả nghiên cứu của công trình đã cơ bản giải quyết vấn đề xử lý bùn đỏ, mở ra hướng đi mới trong việc sản xuất các vật liệu xây dựng không nung.

3. “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam” của nhóm tác giả: GS.TS. Lê Trần Bình, PGS.TS. Đinh Duy Kháng (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), TS. Trần Xuân Hạnh (Công ty CP thuốc thú y Trung ương, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn).

Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu thành công vaccine cúm gia cầm H5N1 do Viện Công nghệ sinh học thực hiện và đã áp dụng thành công vào sản xuất ở quy mô công nghiệp. Công ty NAVETCO là đơn vị được cấp phép sản xuất, lưu hành vào năm 2012. Từ đó đến nay, hàng trăm triệu liều vaccine cúm NAVET-VIFLUVAC đã được sản xuất, góp phần quan trọng trong việc phòng chống bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam. Kết quả đạt được của công trình còn cho thấy gắn kết bền vững giữa các nhà quản lý – nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cho cộng đồng người nông dân.

4. "Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm" của nhóm tác giả: PGS.TS. Đoàn Đình Phương (Viện Khoa học Vật liệu), TS. Nguyễn Văn Thao (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao), TS. Lê Văn Thụ (Cục trang bị và kho vận, Bộ Công an).

Công trình đã thành công trong việc nghiên cứu các hệ vật liệu tổ hợp mới và vật liệu nano, nhằm tạo ra các sản phẩm chống va đập, giáp chống đạn hấp thụ năng lượng hiệu quả, bền, nâng cao hạn sử dụng, giảm khối lượng trang bị và tăng cường tính cơ động trong tác chiến. Các sản phẩm này còn được phát triển khả năng ngụy trang, ngăn chặn và phát hiện kịp thời, bảo vệ người lính khỏi vũ khí hoá học, sinh học.

5. “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” của nhóm tác giả: PGS.TS. Trịnh Văn Tuyên, Nghiên cứu viên cao cấp - TS. Nguyễn Thế Đồng, kỹ sư chính Mai Trọng Chí (Viện Khoa học Công nghệ Năng lượng Môi trường).

Đây là công trình đã được thực hiện từ những năm 2000, mang tính khoa học và ứng dụng cao trong thời điểm đó, đảm bảo xử lý các chất nguy hại và tỷ lệ nội địa hóa cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam: vừa xử lý được các chất thải nguy hại (chất thải rắn công nghiệp và nước thải y tế) đảm bảo an toàn cho môi trường sống của cộng đồng và sinh thái cũng như an ninh xã hội.

Từ năm 2003 đến nay, công trình đã được triển khai đưa vào ứng dụng thực tế và đạt hiệu suất xử lý cao tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế, công nghiệp và hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên tại các cơ sở, bệnh viện trong và ngoài nước.

6. “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long” của nhóm GS.TS. Nguyễn Thị Lang (Viện nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long).

Điểm nổi bật của công trình là đã chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn có nguồn gốc từ giống lúa trời, địa phương gọi là “lúa ma” ở vùng Đồng Tháp Mười để tạo nên một giống lúa mới mang ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới.