Theo các chuyên gia của Startup Genome, giá trị của hệ sinh thái startup ở TPHCM đã đạt mức 1,4 tỷ USD. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Trao đổi với Báo Khoa học & Phát triển, ông Farshad Fahimi, chuyên gia Trưởng về khoa học dữ liệu và học máy tại Startup Genome (Tổ chức chuyên nghiên cứu và đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp uy tín trên thế giới) cho biết TP Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong xếp hạng hệ sinh thái mới nổi của thế giới.
Trong Báo cáo hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (GSER) của Startup Genome năm nay, TPHCM đã lên vị trí 61-70 trong số 100 hệ sinh thái mới nổi, từ vị trí 71-80 của năm ngoái.
“Giá trị của hệ sinh thái TPHCM đã từ mức dưới 1 tỷ USD tại thời điểm báo cáo năm ngoái lên mức 1,4 tỷ USD vào năm nay. Tổng số vốn tài trợ cho startup ở giai đoạn sớm cũng tăng lên đáng kể”, ông Fahimi cho biết.
Giá trị của hệ sinh thái (ecosystem value) được đo bằng giá trị cộng dồn của tất cả các lần thoái vốn và giá trị định giá của của các startup trong hệ sinh thái. Số liệu này được GSER thu thập từ nhiều nguồn quốc tế uy tín như Crunchbase, Dealroom, PitchBook... và từ các nhà đầu tư, vườn ươm, tổ chức tăng tốc, startup trong hệ sinh thái địa phương.
Bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, hệ sinh thái này vẫn có những cải thiện đáng kể về thu hút vốn và nhân lực tài năng. Tuy vậy, các giá trị đo lường về tiếp cận thị trường (Marker Reach) đã bị giảm mạnh.
TPHCM hiện chiếm hơn 50% số startup của cả nước. Trong nỗ lực thúc đẩy khởi nghiệp của thành phố, đầu năm nay, chính quyền địa phương vừa phê duyệt một chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái cho giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong vòng 5 năm tới.
Trong bảng xếp hạng của Startup Genome năm nay, lần đầu tiên Hà Nội có tên trong
danh sách 100 hệ sinh thái mới nổi toàn cầu. Điều này cho thấy nỗ lực cải thiện của cả hai trung tâm đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế đang ngày càng gay gắt.
Việt Nam hiện đứng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á về số lượng đầu tư. Khảo sát của quỹ đầu tư
Do Ventures từ 50 quỹ đầu tư đang hoạt động tại 6 thị trường lớn ở Đông Nam Á cho thấy, Việt Nam được đánh giá là thị trường trọng tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trong các năm tiếp theo. Trong đó, các lĩnh vực thu hút đầu tư vẫn là giáo dục, y tế, dịch vụ tài chính và thương mại điện tử.