Trong bối cảnh đại dịch, tình hình kinh doanh không mấy thuận lợi và các nhà đầu tư dè chừng hơn trước quyết định rót tiền thì các startup chỉ có thể dùng uy tín để “thế chấp” với nhà đầu tư khi gọi vốn.

Gọi vốn: giữa khó và dễ

Năm 2019, tổng lượng vốn đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là gần 900 triệu USD và giảm xuống còn một nửa vào năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên theo chia sẻ của bà Lê Hoàng Uyên Vy – Giám đốc điều hành của Do Ventures tại buổi tọa đàm “Tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp trong đại dịch” do Endeavor Việt Nam tổ chức mới đây thì thị trường đầu tư năm 2021 đã phục hồi trở lại.

Bằng chứng là theo thống kê chưa đầy đủ từ 100 quỹ đầu tư của DO Ventures và Trung tâm đổi mới sáng tạo (NIC), trong 9 tháng đầu năm, lượng vốn đổ vào các startup Việt Nam đạt khoảng 600 triệu USD.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy – Giám đốc điều hành của Do Ventures
Bà Lê Hoàng Uyên Vy – Giám đốc điều hành của Do Ventures. Nguồn: Do Ventures.

Theo thông lệ, quý 4 là thời điểm nhà đầu tư mạnh tay nhất để hoàn tất việc giải ngân nên bà Lê Hoàng Uyên Vy dự báo, “có thể kết thúc năm 2021, tổng lượng tiền đổ vào Việt Nam sẽ đạt mức kỷ lục, ước chừng cán mốc 1 tỷ USD”. Con số này là thành quả từ năm 2020 khi Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực tăng trưởng GDP dương.

Đại diện của Do Ventures cũng bày tỏ quan điểm rằng chưa nên vui vội mà cần hết sức cẩn trọng khi làn sóng thứ 4 đã ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam trong tháng 7 và 8 vừa qua. Các thương vụ được chốt trong quý 3 thực tế đều dã được chốt trong quý 2 – thời điểm mà tình hình kiểm soát dịch ở Việt Nam còn rất lạc quan. Do đó, rất có thể đỉnh dịch rơi vào những tháng của quý 3 sẽ tác động không nhỏ tới quý 4 và sang cả năm 2022. Bà Vy phân tích: “Việt Nam vốn là nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và cả hàng hóa nhập khẩu. Khi nền kinh tế đóng lại đột ngột, chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp và startup”.

Giữa bất ổn của đại dịch và những lưu chấn ảnh hưởng sau các làn sóng lây nhiễm, đôi chỗ cũng có điểm sáng mà các startup có thể tận dụng, các chuyên gia nhấn mạnh trong cuộc hội thảo. Ví dụ như bất chấp việc nhiều lĩnh vực đi xuống thì cũng có những cơ hội lớn chưa từng có với công nghệ quản lý tài sản (weath management tech) trong 6 tháng đầu năm 2021. Một ứng dụng thuộc lĩnh vực này này đạt 600 nghìn tài khoản mở mới, trong khi đó, năm 2020 con số này mới là 400 nghìn và năm 2019 là 200 nghìn.

Một điểm sáng khác, dù không mới nhưng vẫn có vai trò quyết định trong việc ra quyết định rót vốn đầu tư, đó là căn cứ vào độ ổn định của môi trường chính trị. “Theo một số khảo sát của chúng tôi, nhiều nhà đầu tư đặt Việt Nam trong tầm ngắm do môi trường chính trị ổn định, kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực” – bà Lê Hoàng Uyên Vy cho biết. Ngày càng nhiều các quỹ lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang đang được để mắt tới và thấy đây là một thị trường quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Có thể họ mong muốn thấy được sự thành công tương tự như năm 2016, khi bắt đầu chọn Singapore để thăm dò thị trường khu vực rồi tiếp đến là Indonesia. Thế nhưng, làm sao để Việt Nam giữ được sự thu hút này, bất chấp đại dịch? Lợi thế vẫn nằm ở startup bởi chỉ họ mới có khả năng đón nhận đầu tư rồi làm ra được sản phẩm, tạo doanh thu dài hạn... “Gọi được vốn chỉ là sự khởi đầu, quan trọng là startup dùng thế nào cho hiệu quả, điều đó rất quan trọng với Việt Nam giai đoạn này, khi mà nhà đầu tư vẫn còn đang lưỡng lự lựa chọn”, bà Vy nói.

Linh hoạt trong gọi vốn

Nhưng hầu như startup nào cũng mông lung với câu hỏi “gọi vốn thế nào trong giai đoạn thị trường đang có nhiều bất trắc do COVID-19”? Mục tiêu đặt ra ban đầu là phải sống sót. Là thế hệ khởi nghiệp đời đầu của Việt Nam, ông Phan Minh Tâm – Chủ tịch HĐQT Quỹ đầu tư STI tỏ ra đầy kinh nghiệm với việc ‘sống sót’ qua khủng hoảng khi nhận định, khủng hoảng mà COVID-19 mang lại không bằng năm 2011. Đây là thời điểm cho những người dám làm, dám thử có thể tạo ra đột phát và bứt tốc.

Nhiều startup công nghệ đã tận dụng được thời cơ mà COVID-19 mang lại.
Nhiều startup công nghệ đã tận dụng được thời cơ mà COVID-19 mang lại. Nguồn: Internet.

“COVID-19 gây nguy hiểm cho người có bệnh nền, doanh nghiệp cũng vậy. Các công ty có thể sụt giảm lợi nhuận nhưng thị phần sẽ khác đi. Nếu cả làng yếu mà mình yếu ít nhất tức là mình có cơ hội chiếm được thị phần, khi nhiều công ty đối thủ biến mất. Trong khủng hoảng nhiều doanh nghiệp vẫn sống tốt nghĩa là vẫn có cách, nên founder phải chủ động tìm ra”, ông gợi ý.

Ở quỹ đầu tư của mình, từ trước khủng hoảng ông Tâm đã quyết định chia các startup trực thuộc STI thành khoang riêng, không nhận tiền từ tập đoàn nữa theo kiểu “anh nào lo tiền anh đấy, nếu chết tự chịu”.“Dù tập đoàn có nhiều tiền, các công ty dưới có khó khăn cũng kệ. Sức ép đó là thử thách để nhà sáng lập phải linh hoạt” – ông Phan Minh Tâm lý giải.

Như vậy, áp lực phải sống sót khiến nhà sáng lập sáng tạo hơn trong việc huy động nguồn vốn, họ tìm đến các nhà đầu tư cũ, bạn bè, gia đình, vay từ ngân hàng, thậm chí, chấp nhận down round - trường hợp một công ty chào bán thêm cổ phiếu với mức giá thấp hơn so với mức giá đã được chào bán ở vòng trước đó. Ông Tâm nói: “Khi các chỉ số tăng trưởng thiếu thuyết phục, đội ngũ sáng lập phải dùng tới uy tín cá nhân để thế chấp với nhà đầu tư”. Tuy nhiên đây là thứ được xây dựng trong thời gian dài, tức là cả nhà đầu tư lẫn startup đã có hiểu biết lẫn nhau. “Bằng năng lực và uy tín cá nhân với mối quan hệ trong quá khứ, nhà lập lập phả làm cho nhà đầu tư tin vào startup của mình và lợi ích có thể mang lại. Điều này hoàn toàn không có công thức” – ông Tâm nói thêm.

Đồng tình với cách làm này, đại diện của Do Ventures bà Lê Hoàng Uyên Vy cho biết, việc tìm đến nhà đầu tư cũ, những người đã có hiểu biết về startup và đội ngũ thì khả năng được rót vốn sẽ cao hơn nhà đầu tư hoàn toàn mới. “Trong lúc khó khăn tìm được người tin vào khả năng của mình là tốt nhất”, bà nói. Các startup thường được Do Ventures tư vấn tìm đến nhà đầu tư cũ chưa vào được từ các vòng trước. Điều này là dễ dàng hơn cả nếu so với việc tìm đến nhà đầu tư mới, bởi họ đã tìm hiểu kỹ mới quyết định đầu tư ở vòng trước.

“Để thuyết phục nhà đầu tư cũ, hãy chủ động đưa ra KPI để có mức chuyển đổi giá trị cổ phần hợp lý. Điều này giúp startup không bị down round” – bà Vy nói thêm và khuyến cáo, startup phải rất thành thật và minh bạch không được ‘vẽ ra tương lai màu hồng” để rồi cuối cùng nếu không đạt được KPI sẽ mất uy tín.

Việc gọi vốn, tồn tại và sống sót qua khủng hoảng là điều các startup phải nỗ lực vượt qua. “Nếu bạn nhận tiền mà không làm được điều gì thì có nghĩa là bạn mất uy tín. Cộng đồng giới đầu tư ở Việt Nam nhỏ lắm nên startup nào mất uy tín là mất hết”, ông Phan Minh Tâm ngụ ý đến những hậu quả mà các startup không nỗ lực tận dụng cơ hội đến với mình sẽ gặp phải.