Năm 2023 không phải là năm tốt nhất cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam nhưng cũng có những điểm sáng hứa hẹn khởi đầu mới. Dưới đây là bảy sự kiện nổi bật của hệ sinh thái năm qua, theo bình chọn của Khoa học & Phát triển.

Các startup gặp khó khăn hơn trong mùa đông gọi vốn. Ảnh: PVA Pro
Các startup gặp khó khăn hơn trong mùa đông gọi vốn. Ảnh minh họa: PVA Pro

1. Mùa đông gọi vốn kéo dài

Nền tảng dữ liệu Tracxn đánh giá 2023 là năm Việt Nam có nguồn tài trợ giảm xuống mức thấp nhất trong năm năm qua. Các startup công nghệ chỉ huy động được tổng cộng 142 triệu USD từ đầu năm đến nay, giảm lần lượt là 73% và 91% so với số tiền huy động được trong cùng kỳ năm 2022 và 2021. Các chuyên gia Việt Nam cho rằng đây là tin tức đáng lo ngại đối với ngành công nghệ, vốn đang phát triển với tốc độ đáng kể trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh đó, một số startup Việt nổi bật vẫn huy động được vốn từ các nhà đầu tư, bao gồm startup công nghệ y tế BuyMed (51,5 triệu USD), công ty xét nghiệm Gene Solutions (21 triệu USD), nền tảng thương mại điện tử Telio (15 triệu USD), nền tảng ứng lương linh hoạt GIMO (12 triệu USD) và ngân hàng số Timo (10 triệu USD).

Ba lĩnh vực vẫn còn năng động nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam năm nay là công nghệ sức khỏe, công nghệ tài chính và ứng dụng cho doanh nghiệp.

Việc giảm tài trợ không phải là chuyện riêng có của Việt Nam. Nó đang diễn ra ở tất cả các hệ sinh thái tại Đông Nam Á và trên thế giới, với mức sụt giảm tài trợ khác nhau dao động từ 50-80%. Điều này được cho là do lãi suất tăng, suy thoái kinh tế toàn cầu hậu COVID-19 và căng thẳng địa chính trị khiến các nhà đầu tư thận trọng trong việc rót vốn.

2. Nhiều startup rút khỏi thị trường Việt Nam


Tháng cuối cùng của năm 2023 khép lại với tin nền tảng giao đồ ăn Baemin, liên doanh giữa Delivery Hero (Đức) và Woowa Brothers (Hàn Quốc), chính thức rời khỏi Việt Nam sau hơn bốn năm hoạt động. Trong email thông báo gửi đến các nhà hàng đối tác, Baemin cho biết quyết định rời khỏi thị trường Việt Nam “được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của nước sở tại”.

Gia nhập đường đua startup giao đồ ăn khá trễ so với các đối thủ khác (tháng 6/2019), Baemin vẫn tạo ra được sức hút và một lượng người dùng, mặc dù xếp sau GrabFood và ShopeeFood về thị phần. Ông Niklas Östberg, đồng sáng lập và cũng là giám đốc điều hành công ty mẹ Delivery Hero, chia sẻ với Reuters rằng công ty đang có triển vọng tích cực tại châu Á, ngoại trừ Việt Nam, nơi ông cho rằng hoạt động kinh doanh giao đồ ăn này “không bao giờ có lãi”.

Baemin rút khỏi thị trường.
Baemin rút khỏi thị trường. Ảnh: DH

Đột ngột hơn nhiều, vào tháng 5/2023, dịch vụ cho thuê ô tô Zoomcar (Ấn Độ) bất ngờ rút khỏi thị trường Việt Nam chỉ sau 1,5 năm hoạt động “do điều kiện thị trường kinh doanh nói chung và dịch vụ cho thuê xe tự lái nói riêng có nhiều khó khăn và dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới”. Hai tháng sau đó, Atome, startup mua trước trả sau do Tập đoàn Advance Intelligence có trụ sở tại Singapore điều hành, xác nhận đã rút khỏi thị trường Việt Nam sau một năm hoạt động. Công ty cho biết, “Đóng góp từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào hoạt động kinh doanh tổng thể của chúng tôi còn hạn chế”.

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 11 tháng năm 2023 là 158.800 doanh nghiệp - trong đó có rất nhiều startup, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp phản ánh về tình trạng mất đơn hàng, sụt giảm doanh thu, cắt giảm nhân sự.

Quyết định dừng lại của Baemin, Zoomcar, hay Atome cho thấy dù Việt Nam sở hữu một thị trường đầy tiềm năng ở những lĩnh vực như giao thức ăn, cho thuê ô tô, mua trước trả sau nhưng các startup vẫn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn để duy trì đà phát triển dài hạn.

3. Lĩnh vực thương mại điện tử cạnh tranh gay gắt trở lại


Vào giữa tháng chín, công ty mẹ của Shopee đã gửi một email đến tất cả nhân viên thông báo về việc họ sắp sửa phải chuẩn bị cho cuộc chiến. Đây là dấu hiệu cho thấy công ty sẵn sàng chịu lỗ trong một số quý sắp đến. Điều này thoạt nghe có vẻ bất thường, bởi Shopee đang tập trung vào việc giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả của mình, thậm chí đã bắt đầu thu về lợi nhuận.

Vài năm qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam, và rộng hơn là Đông Nam Á, đã trở thành một cuộc đua không hồi kết với các đối thủ liên tục xuất hiện và bám đuổi. Shopee, dù hiện đang ở vị trí dẫn đầu, vẫn cảm thấy như ‘ngồi trên đống lửa’. Gần đây, Tập đoàn Alibaba đã tăng cường đầu tư vào Lazada, báo trước cho cuộc chiến sắp tới. Temu, với sự hỗ trợ của Công ty J&T Express kỳ cựu trong lĩnh vực hậu cần Đông Nam Á, cũng tham gia thị trường với lời hứa hẹn về giá cả phải chăng và khuyến mãi hấp dẫn, đổi trả miễn phí trong vòng 90 ngày.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử nội địa đang tìm lối đi cho mình.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử nội địa đang tìm lối đi cho mình. Ảnh: TKL

Ngay các doanh nghiệp thương mại điện tử nội địa như Bách hóa Xanh, Tiki, Lazada, Thế giới Di động, Sendo, FPT Shop... cũng đang tìm lối đi cho mình để giành lấy miếng bánh thị phần giữa thị trường nhộn nhịp.

Theo báo cáo “Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2022” của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực đóng góp quan trọng nhất. Dự báo giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của người tiêu dùng trực tuyến sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ, từ mức 381 USD/người năm 2021 lên 671 USD/người vào năm 2025.

Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, mỗi công ty cần sẵn sàng đầu tư vào chuỗi cung ứng, hậu cần, tăng trưởng người dùng một cách bền vững khác để duy trì khả năng cạnh tranh lâu dài.

4. Tranh cãi về sự minh bạch của gọi vốn cộng đồng


Vào đầu tháng bảy, câu chuyện gọi vốn của công ty Arevo và chiếc xe đạp Superstrata in 3D nguyên khối carbon đầu tiên trên thế giới của vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang - Sonny Vũ nổi lên như một điểm nóng gây tranh cãi. Dự án này đã gọi vốn thành công hơn 7 triệu USD trên Indiegogo thông qua hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) và 25 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Với thông tin thú vị và uy tín của những người điều hành, chiếc xe đã nhận được một số lượng đặt hàng lớn tại Việt Nam.

Thực tế, nhiều người phản ánh về việc giao hàng trễ hẹn, liên tục thất hứa và có không ít người phàn nàn rằng chất lượng sản phẩm không tương xứng với giá thành 70 triệu đồng. Một số cho biết xe liên tục gặp lỗi, hỏng, thậm chí có chiếc xe không thể lắp hoàn thiện ngay khi nhận các bộ phận về từ hãng. Trong khi đó, đội ngũ chăm sóc khách hàng không có những phản hồi, giải quyết thỏa đáng.

Trước những cáo buộc “lừa đảo” vì bán hàng chất lượng kém, nhà sáng lập Lê Diệp Kiều Trang cho rằng “Superstrata cho đến thời điểm này vẫn còn là sản phẩm trong giai đoạn R&D, chưa đến được giai đoạn thương mại hóa”. Đồng thời bà chỉ ra rằng khách hàng đã có sự nhầm lẫn giữa “donation” (tài trợ) và “shopping” (mua hàng), bởi Indiegogo là đơn vị gọi vốn cộng đồng chứ không phải sàn thương mại điện tử.

Mẫu xe đạp in 3D nguyên khối carbon Superstrata. Ảnh: Arevo
Mẫu xe đạp in 3D nguyên khối carbon Superstrata. Ảnh: Arevo

Hình thức gọi vốn cộng đồng không phổ biến ở Việt Nam. Câu chuyện của Superstrata đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi, cho rằng những người điều hành startup đang vòng vo để lừa đảo tiền của người tham gia. Một số ít khác chấp nhận tính chất rủi ro của các dự án công nghệ kiểu này và hiểu rõ đây là tiền tài trợ cũng bày tỏ sự thất vọng vì sự thiếu minh bạch của đội ngũ dự án đối với cộng đồng góp vốn, bao gồm không phản hồi khi người tài trợ liên hệ, phản ánh trên Indiegogo và không thông báo, giải thích gì khi công ty dừng hoạt động sản xuất ở TP.HCM hồi tháng năm.

Sự việc Superstrata hiện vẫn chưa ngã ngũ, nhưng chắc chắn rằng uy tín của những người sáng lập trong giới startup đã bị giảm sút. Trong một thời gian ngắn, nó cũng đã gây tác động tiêu cực đến bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vốn còn non trẻ ở Việt Nam, mặc dù tác động lâu dài còn chưa được kiểm chứng. Câu chuyện Superstrata cũng chỉ ra khoảng trống pháp lý trong luật hiện hành về lĩnh vực gọi vốn cộng đồng, một nhu cầu cần làm rõ để tạo môi trường thuận lợi hơn cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển.

5. Các startup Việt bắt đầu gia nhập cuộc đua Net Zero

Mặc dù các tuyên bố về giảm phát thải và phát triển bền vững đã được các nhà quản lý đưa ra từ lâu, nhưng các doanh nghiệp nói rằng họ thiếu các giải pháp khả thi với chi phí phải chăng để triển khai. Năm nay, trong không gian khởi nghiệp Việt Nam, các startup với tiềm năng giải quyết các thách thức môi trường ở quy mô lớn đã xuất hiện.

Hơn một nửa startup trong Top 10 TECHFEST Việt Nam năm nay là những dự án liên quan đến sản xuất nhựa phân hủy sinh học, lưu trữ năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng – những lĩnh vực có thể đóng góp cho việc giảm phát thải CO2. Năm nay cũng là năm đầu tiên hai quỹ đầu tư Touchstone Partners (Việt Nam) và Temasek Foundation (Singapore) phát động "Thách Thức Net Zero 2023”, thu hút hơn 300 công ty công nghệ ở giai đoạn đầu từ 45 quốc gia đến giới thiệu các giải pháp công nghệ có thể triển khai ở Việt Nam trong ba mảng năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, và kinh tế tuần hoàn. Gần 70% giải pháp của thử thách này là của các đội Việt Nam.

Sản phẩm nhựa sinh học làm từ bã cà phê. Ảnh: AirX Carbon
Sản phẩm nhựa sinh học làm từ bã cà phê. Ảnh: AirX Carbon

Dựa trên bản chất công nghệ và cách các startup tiếp cận khách hàng, trong đó có những tập đoàn đa quốc gia, chúng tôi nhận thấy các nhà khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam thật sự đã hiểu hơn về nhu cầu thị trường và cho ra đời các sản phẩm có thể mở rộng. Thêm vào đó, không gian khởi nghiệp cleantech đã thu hút được sự ủng hộ của các nhà đầu tư trong 2-3 năm qua, dù tương đối khiêm tốn. Nguồn vốn này chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ chậm lại vào năm 2024.

6. Khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia NIC cơ sở Hòa Lạc


Sau gần ba năm thi công, cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ở Thạch Thất, Hà Nội, đã được khánh thành vào ngày 29/10. NIC có giá trị đầu tư gần 42 triệu USD và được thiết kế theo hình tượng đại bàng cất cánh bay lên. Với tổng diện tích mặt sàn làm việc gần 20.000m2, nơi đây gồm nhiều không gian làm việc, nghiên cứu và phát triển (R&D), và không gian kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và chuyên gia.

NIC hướng đến các lĩnh vực trọng tâm như Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Truyền thông số, Công nghệ môi trường, An ninh mạng, Công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và Y tế. Nhiều người kỳ vọng Trung tâm sẽ là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

NIC được thiết kế theo hình tượng đại bàng cất cánh bay lên. Ảnh: NIC
NIC được thiết kế theo hình tượng đại bàng cất cánh bay lên. Ảnh: NIC

Cùng với xây dựng cơ sở vật chất, NIC đã bắt đầu phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu, bao gồm 2.000 thành viên là các chuyên gia, trí thức người Việt tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, NIC đã công bố và ký kết một số thỏa thuận hợp tác với các đối tác như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Google, Samsung, SpaceX, Intel, Cadence, VinaCapital, Southeast Impact Alliance, VNPT, Sovico, FPT, v.v về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn.

7. TECHFEST tạo ra cơ hội kết nối mới


Là một hoạt động thường niên được duy trì liên tục trong chín năm qua, Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST Việt Nam 2023 vẫn thu hút được sự tham gia đông đảo của các startup công nghệ, doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà quản lý. TECHFEST đã mở ra nhiều “cánh tay nối dài”, bao gồm các Làng công nghệ (Tech Villages), TECHFEST địa phương và TECHFEST tại nước ngoài.

Hàng nghìn người tham gia tìm hiểu, kết nối công nghệ và đầu tư tại TECHFEST.
Hàng nghìn người tham gia tìm hiểu, kết nối công nghệ và đầu tư tại TECHFEST.

Năm nay có 32 làng công nghệ, trong đó có những làng công nghệ tập trung vào lĩnh vực mới nổi như công nghệ năng lượng xanh, công nghệ sinh thái, dược liệu sạch, chăm sóc sắc đẹp v.v. Tất cả tạo nên sự đa dạng nhiều màu sắc cho hệ sinh thái Việt Nam.

Từ giữa năm nay, một vài làng công nghệ đã công bố kế hoạch bước chân vào các hệ sinh thái địa phương thông qua việc triển khai chương trình cố vấn (mentor) cho doanh nghiệp hoặc các dự án nhỏ nhằm lôi kéo startup vào giải quyết những bài toán cụ thể ở từng địa phương.

Năm 2023 cũng là năm TECHFEST quốc tế lần thứ hai được tái khởi động, sau thời gian bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Techfest quốc tế diễn ra ở Hàn Quốc hồi tháng tư và ở Úc hồi tháng chín. Khoảng một chục startup Việt đã có cơ hội thuyết trình trước các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài. Bộ Khoa học & Công nghệ kỳ vọng rằng thông qua TECHFEST quốc tế, Việt Nam sẽ giới thiệu được hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, có tính mở cao, từ đó thu hút được sự quan tâm và các nguồn lực quốc tế.