Hiệp định thương mại EVFTA và hiệp định đầu tư EVIPA của Việt Nam và Liên minh Châu Âu EU đã có bước dịch chuyển gần hơn đến ký kết.

Hợp tác Việt Nam - EU

Ngày 25/6/2019, Hội đồng Bộ trưởng thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã phê chuẩn 2 hiệp định về thương mại và đầu tư giữa EU-Việt Nam mang tên EVFTA và EVIPA.

Dự kiến, Ủy viên Thương mại EU CeciliaMalmström và Bộ trưởng Kinh doanh, Thương mại và Khởi nghiệp của Romania Ștefan-Radu Oprea sẽ thay mặt EU ký thỏa thuận tại Hà Nội vào ngày 30/6/2019 tới.

Sau khi được ký kết, EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) gồm 28 nước thành viên để bỏ phiếu thông qua. Theo đánh giá, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là hai năm để EP phê chuẩn theo thủ tục nội bộ tương ứng của mỗi nước.

Khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU. Các dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ dần trong 10 năm tới và 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ. Thỏa thuận cũng có các điều khoản cụ thể để loại bỏ các trở ngại kỹ thuật như các vấn đề trong lĩnh vực xe hơi. Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Bên cạnh đó, thỏa thuận bảo vệ đầu tư (EVIPA) khi thông qua sẽ thay thế các thỏa thuận đầu tư song phương mà 21 quốc gia thành viên EU hiện đang có với Việt Nam, nhằm đảm bảo các quy tắc pháp lý thống nhất và tăng tính minh bạch. Các quy tắc này sẽ được đảm bảo thực thi thông qua Hệ thống Toà án Đầu tư (Investment Court System - ICS) mới của EU. Nhờ có thỏa thuận EVIPA, các công ty EU cũng sẽ có thể tham gia đấu thầu mua sắm tại Việt Nam trên cơ sở bình đẳng với các công ty trong nước.

Sau Singapore, các thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận thứ hai được ký kết giữa EU và một quốc gia Đông Nam Á.

Đại diện của EC cho rằng ngoài lợi ích kinh tế rõ ràng, các thỏa thuận này cũng tăng cường tôn trọng quyền con người, quyền người lao động và bảo vệ môi trường.

Theo bà Cecilia Malmström, nếu các thỏa thuận được thông qua, Việt Nam sẽ là ví dụ tuyệt vời về cách các hiệp định thương mại có thể khuyến khích tiêu chuẩn cao hơn ở những nước đối tác.