Với tư cách là người nhận giải thưởng toàn cầu “Tỏa sáng sức mạnh tri thức” năm 2023 của Clé de Peau Beauté, cô giáo Đào Thị Hồng Quyên sẽ lãnh đạo thực hiện một dự án giáo dục STEM cho trẻ dễ bị tổn thương tại 15 tỉnh, thành phố ở miền Bắc và miền Trung.
Mục đích chính của Dự án nhằm tăng tỷ lệ trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số, tiếp cận giáo dục STEM và khuyến khích các em quan tâm đến các ngành nghề STEM.
Giáo dục STEM là dạy học dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì dạy các môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Dự án gồm 3 hợp phần - STEM cho học sinh miền núi, STEM cho học sinh khuyết tật, Truyền thông về giáo dục STEM - và được tiến hành trong một năm, với khoản tài trợ trị giá 100 nghìn USD từ Clé de Peau Beauté.
Dự kiến, Dự án sẽ hỗ trợ tổng cộng khoảng 1.050 thầy cô và 26.200 học sinh tiểu học và THCS (trong đó hơn 60% là học sinh nữ) tại các tỉnh khó khăn nhất, có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao như Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng ở miền núi phía Bắc và Gia Lai, Kon Tum ở miền Trung.
Cụ thể, ở hợp phần STEM cho học sinh miền núi, Dự án chú trọng “hỗ trợ giáo viên xây dựng các chủ đề STEM gắn với đời sống sản xuất hoặc điều kiện tự nhiên của địa phương”, như cô Quyên trao đổi với báo Khoa học & Phát triển. “Chẳng hạn, có thể xây dựng chủ đề STEM về cây hồi ở Lạng Sơn; về cây cao su, cây cà phê ở Gia Lai; về rừng ngập mặn hay sản xuất lúa, sản xuất muối ở Nam Định… Khi các chủ đề STEM phù hợp và hài hòa với đời sống địa phương, các thầy cô sẽ dễ dàng thiết kế trải nghiệm thực tế cho học sinh.”
Bên cạnh đó, các thầy cô cũng được hướng dẫn để khắc phục sự mất cân bằng giữa các hoạt động thiết kế sản phẩm và khám phá khoa học trong quá trình giảng dạy STEM. Theo cô Quyên, hiện nay nhiều thầy cô vẫn tư duy rằng thiết kế ra sản phẩm cụ thể là mục đích cuối cùng của giáo dục STEM. "Nhưng không phải vậy, kết quả của giáo dục STEM phải là khơi dậy khả năng quan sát khoa học, sáng tạo, dám làm và dám phản biện ở học sinh,” cô nói.
Sau khi được tập huấn, các thầy cô có thể thành lập các câu lạc bộ STEM tại trường của mình. Dự án sẽ theo sát và hỗ trợ chuyên môn cho các câu lạc bộ này.
Hợp phần STEM cho học sinh miền núi được Dự án triển khai trước tiên, từ tháng 4 năm nay, ở huyện Bình Gia và Văn Quan thuộc tỉnh Lạng Sơn và huyện Phù Ninh thuộc tỉnh Phú Thọ. Hợp phần này sẽ tiếp cận tổng cộng khoảng 1.000 giáo viên và 10.000 học sinh.
Ở hợp phần STEM cho học sinh khuyết tật, nhóm học sinh bị bỏ lại phía sau nhiều nhất trong mọi loại hình giáo dục, các giáo viên sẽ được đào tạo về cách sử dụng các công nghệ mới (AI, AVR, v.v.) để giúp học sinh khuyết tật bắt kịp các cơ hội học tập và phát triển hết tiềm năng cũng như sử dụng công nghệ VRPeutic để trị liệu cho học sinh mắc chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD). Khoảng 50 giáo viên và 200 học sinh được hưởng lợi từ hợp phần này.
Ở hợp phần truyền thông về giáo dục STEM, các hội thảo sẽ được tổ chức tại các trường học với các diễn giả có ảnh hưởng, chủ yếu là nhà khoa học và kỹ thuật viên nữ, để truyền thêm cảm hứng học tập STEM cho khoảng 16.000 học sinh.
Sau khi nhận được thư của UNICEF Việt Nam giới thiệu cô Quyên và Dự án, ngày 1/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã ký công văn đề nghị các Sở GD&ĐT thuộc 15 tỉnh được nêu tên trong Dự án hỗ trợ nhóm của cô Quyên triển khai Dự án hiệu quả. Đồng thời, công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT qua Vụ Giáo dục tiểu học khi kết thúc Dự án.
Ở Việt Nam, các môn STEM thường được cho là chỉ phù hợp với trẻ em trai, tạo ra rào cản khi tham gia vào lực lượng lao động của trẻ em gái. Điều này đã thôi thúc cô Quyên quyết tâm thúc đẩy giáo dục STEM cho trẻ em gái và các nhóm thiệt thòi trong suốt 8 năm qua.
Là người sáng lập dự án “STEM cho Nông thôn” năm 2018, cô Quyên đã hỗ trợ hơn 10 trường học, mang lại lợi ích cho hơn 1.200 trẻ em gái.
Với vai trò là đại sứ cho dự án “Trẻ em gái trong lĩnh vực STEM” (Girl in STEM) của Hội đồng Anh trong hai năm 2018-2019, dự án của cô tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định) đã nâng tỷ lệ học sinh nữ tham gia vào các hoạt động STEM lên đến 70%.
Trong thời gian đại dịch COVID-19, cô đã triển khai 28 hội thảo trực tuyến về giáo dục STEM, giúp cho hơn 84.000 giáo viên nâng cao kiến thức và phát triển kỹ năng mềm.
Cô Quyên chia sẻ, cô mong muốn giải quyết vấn đề định kiến giới ở Việt Nam bằng cách thay đổi tư duy của xã hội đối với trẻ em gái, và giúp các em tin lựa chọn và theo đuổi các ngành STEM, để các em không bị hạn chế bởi bất kỳ những giới hạn nào áp đặt lên các em.
Hiện cô phụ trách giám sát việc thiết kế các chương trình khoa học của Trường Genesis và là giáo viên môn sinh học tại đây.
Tất cả các nội dung đào tạo của Dự án Giáo dục STEM cho trẻ dễ bị tổn thương được đưa lên nền tảng trực tuyến, mọi giáo viên đều có thể học miễn phí và nhận chứng nhận từ Dự án.
Các địa phương khác ngoài danh sách đã được đề cập trong Dự án mà muốn tham gia thì có thể liên hệ trực tiếp với cô Đào Thị Hồng Quyên - Email: hongquyen90@gmail.com
|