An ninh năng lượng quốc gia được hiểu là sự tự chủ về năng lượng, không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.Và không ít quốc gia đã chọn năng lượng hạt nhân làm nhân tố chính cho chiến lược tự chủ của mình.


Năng lượng hạt nhân - nguồn năng lượng lớn, an toàn với khí hậu

Trong bản báo cáo đặc biệt Tầm nhìn năng lượng 2015 về năng lượng và biến đổi khí hậu năm 2015 của Hiệp hội năng lượng thế giới (IEA), rất nhiều phương án đưa ra nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm thiểu sử dụng các nhà máy nhiệt điện, thay vào đó là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thay thế. Họ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân, coi đây là nguồn năng lượng, giải phóng ít carbon lớn thứ 2 sau thủy điện. Không những vậy việc sử dụng nguồn năng lượng này còn giúp giảm thiểu sự phát thải của 56 triệu tấn khí CO2 từ năm 1971, tương đương với 2 năm phát thải khí trên toàn thế giới.

Bản báo cáo Tầm nhìn năng lượng 2015 của IEA cho thấy, than đang mất dần vị thế của mình trong danh sách những nguồn năng lượng chính, khả năng sẽ giảm từ 41% hiện nay xuống còn 30% năm 2040. Trong khi đó, các nguồn năng lượng giải phóng carbon thấp sẽ tăng từ 1/3 năm 2013 tới 47% năm 2040, trong đó chủ yếu phải kể tới sự phát triển của năng lượng tái tạo phi hydro, năng lượng hạt nhân và thủy điện.

Trong tất cả các kịch bản năng lượng diễn ra trong tương lai, năng lượng hạt nhân được cho rằng sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng, sản xuất ra một lượng điện năng vô cùng lớn vào năm 2040.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không chỉ với riêng các nước đang phát triển, trong một nghiên cứu chuyên sâu do Ủy ban châu Âu tiến hành, năng lượng hạt nhân cũng được cho là sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu và nó cần được mở rộng với sự giúp sức của các nhà cung cấp nhiên liệu.

Năng lượng hạt nhân với sự phát triển của Việt Nam

Đáp ứng sự chuyển mình từ một quốc gia nông nghiệp sang một quốc gia phát triển theo hướng công nghiệp hóa, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam là vô cùng lớn. Theo số liệu của Tổng cục thống kê trung ương, mỗi năm nhu cầu về năng lượng của chúng ta tăng từ 10-12%, tức từ mức 169,8TWh năm 2015 lên 615,2 TWh năm 2030. Để đảm bảo được an ninh năng lượng và đáp ứng được nhu cầu phát triển, Việt Nam đang có những biện pháp nâng cao năng lực sản xuất điện của quốc gia.

Ngoài một số nguồn năng lượng truyền thống sẽ tiếp tục khai thác như nhiệt điện, thủy điện, Việt Nam đang từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, với việc đưa vào phát triển năng lượng hạt nhân và năng lượng điện gió.

Việt Nam đã và đang có những bước đi cẩn trọng, có tính toán trong việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, với tổng công suất dự kiến của mỗi nhà máy vào khoảng 4.000 MW. Dự kiến, đến năm 2030, tỷ lệ điện hạt nhân ở Việt Nam chiếm khoảng 7% tổng công suất điện quốc gia. Đến năm 2050, điện hạt nhân ở nước ta sẽ chiếm khoảng 15 - 20% tổng công suất điện.

Việc đưa vào vận hành 2 nhà máy điện hạt nhân sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh các nguồn năng lượng khác không phải lúc nào cũng sẵn có.