Trong 5 năm qua ngành khoa học và công nghệ đã làm được rất nhiều việc, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Để thực hiện thành công Chiến lược giai đoạn 2016-2020 cần rà soát lại và điều chỉnh mục tiêu sát hơn.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có ý kiến như vậy tại hội nghị "Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2015; Tổng kết công tác năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016", do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 25/12.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Loan Lê.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Loan Lê.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã nêu bật những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn còn gặp phải.

Theo đó, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nêu rõ, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011 - 2020 được khởi đầu thực hiện trong bối cảnh Việt Nam bước vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 khi đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước đầu gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân báo cáo với Phó Thủ tướng về một số kết quả đã đạt được trong 5 năm thực hiện Chiến lược. Ảnh: Loan Lê.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân báo cáo với Phó Thủ tướng về một số kết quả đã đạt được trong 5 năm thực hiện Chiến lược. Ảnh: Loan Lê.

"Vai trò của KH&CN ngày càng được coi trọng. Phát triển KH&CN và nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển KH&CN của Chiến lược là cơ sở quan trọng để Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương ban hành các chiến lược ngành, quy hoạch, kế hoạch trung hạn và chương trình hành động, lồng ghép các nội dung phát triển KH&CN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phục vụ các mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương" - Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định.

Theo đó sau 5 năm thực hiện Chiến lược, với các đóng góp thiết thực của KH&CN, nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược. Ảnh: Loan Lê.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược. Ảnh: Loan Lê.

Kết quả tính toán cho thấy, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội giai đoạn 2011 - 2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7%. Nếu duy trì được đà tăng trưởng này, chỉ tiêu đạt 45% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020 là khả thi.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, cần có giải pháp thúc đẩy năng lực chế tạo và hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp nội địa để đóng góp đáng kể cho việc sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng 3 công nghệ cao; đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện hạ tầng KH&CN và môi trường kinh doanh, chuyển giao công nghệ để thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư chuyển giao công nghệ và triển khai hoạt động thiết kế, chế tạo tại Việt Nam thay vì tăng cường gia công, lắp ráp thâm dụng lao động giá rẻ.

Về phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2011-2015, việc ban hành Luật KH&CN 2013 và các văn bản hướng dẫn đi kèm đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng hướng đến việc khuyến khích phát triển thị trường KH&CN.

Nổi bật lên có những quy định về việc thành lập tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, định giá tài sản trí tuệ. Quy định về việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho các tổ chức chủ trì, các doanh nghiệp KH&CN và các tổ chức khác cũng tạo ra cơ chế thông thoáng thúc đẩy việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã dự thảo trình Chính phủ ban hành một số chương trình lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường KH&CN như Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; Chương trình Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 và hiện tại đang xây dựng dự thảo Chương trình hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng thẳng thắn nhìn nhận: Trong điều kiện quy mô và tiềm lực của nền kinh tế còn thấp, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng khích lệ so với các quốc gia có quy mô kinh tế tương đồng xét về trình độ và môi trường cho phát triển KH&CN. KH&CN đã có đóng góp quan trọng, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra một số mục tiêu chiến lược chưa đạt được. Cụ thể, việc thực hiện một số mục tiêu quan trọng như đầu tư tăng tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị; phát triển một số lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến đạt trình độ khu vực và quốc tế cũng như việc đầu tư, hình thành các tổ chức khoa học công nghệ đạt trình độ quốc tế và khu vực...

Chính vì vậy Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn từ 2016 đến 2020 với các mục tiêu và giải pháp khả thi, phù hợp với tình hình mới.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc báo cáo tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016. Ảnh: Loan Lê.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc báo cáo tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016. Ảnh: Loan Lê.

Báo cáo thêm trước Phó Thủ tướng và toàn hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: Sau 5 năm thực hiện, có thể khẳng định Chiến lược phát triển KH&CN đã được Bộ KH&CN, các Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ đổi mới công nghệ, năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp được tăng cường; khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu và ở một số lĩnh vực KH&CN có thế mạnh...

Ghi nhận và biểu dương những kết quả Bộ Khoa học và Công nghệ đã đạt được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng nhiều hơn trong giai đoạn tới.

Theo đó, chia sẻ với những khó khăn mà ngành đang gặp phải gồm 7 vấn đề (từ cách tiếp cận xử lý các vấn đề đến sự đồng thuận của các bộ, ngành trong việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, đầu tư tiềm lực cho khoa học công nghệ...).

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần chủ động hơn, đổi mới, sáng tạo trong chính sách tiếp cận và xử lý các vấn đề thuộc về phần mình, từ đó góp phần đổi mới trong quản lý trên toàn ngành.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với những kiến nghị mà Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra và cho rằng trong giai đoạn 5 năm tới các mục tiêu của Chiến lược cần được rà soát lại và cụ thể hơn.

"Việc đổi mới là rất gian khổ và khó khăn nhưng khó vẫn phải làm. Để làm được điều này đôi khi một mình Bộ Khoa học và Công nghệ không làm được mà cần sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xem bản đầy đủ của Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020tại đây.