Tại Pháp, doanh nghiệp khởi nghiệp được Chính phủ hỗ trợ 60% chi phí cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) của nhà khoa học, bao gồm 30% chi phí ban đầu và 30% còn lại nếu nhà khoa học ký hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp làm nghiên cứu.

Đó là chia sẻ của ông Jean Charles Guilbert - Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ micro - nano (MINATEC), nguyên Giám đốc chuyển giao công nghệ của Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) - tại Hội thảo “Thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ kết quả nghiên cứu: Kinh nghiệm của Pháp”.

Sự kiện này do Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM chủ trì tổ chức tại TPHCM ngày 14/11.

b
Ông Jean Charles Guilbert, nguyên Giám đốc chuyển giao công nghệ của CEA.

Cho rằng, không phải tài sản trí tuệ hay thị trường mà con người mới là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của một startup, diễn giả người Pháp Jean Charles Guilbert nhấn mạnh: quá trình hình thành startup sẽ trải qua ba giai đoạn.

Theo ông Guilbert, giai đoạn 1 là đánh giá tiềm năng các ý tưởng, giai đoạn 2 là quyết định ươm tạo và giai đoạn 3 là rót vốn đầu tư. Việc ươm tạo startup dựa trên ba yếu tố gồm: những người thực hiện, tài sản trí tuệ và thị trường của ý tưởng. Đặc biệt, những người thực hiện ý tưởng như: người điều hành, gọi vốn, nghiên cứu là những nhân tố quan trọng nhất để các nhà đầu tư quyết định ươm tạo.

Nguyên Giám đốc MINATEC cho rằng, một doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng, thị trường tốt nhưng không có người điều hành và gọi vốn tốt thì rất khó thành công. Từ kết quả nghiên cứu ra sản phẩm được thương mại hóa trên thị trường cần rất nhiều thời gian và đầu tư về tài chính.

Ông Guilbert chia sẻ: Ở Pháp, một kết quả nghiên cứu khi ra được thị trường phải mất ít nhất là 7 năm. Tại CEA, có những chính sách hỗ trợ cho những nhà khoa học thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó là hỗ trợ 3 - 6 tháng lương, cho vay khoảng 40.000 EUR và vẫn được tiếp nhận nếu quay trở lại công việc cũ sau 4 năm khởi nghiệp không thành công.

CEA cũng có một quỹ khoảng 27 triệu USD để đầu tư cho các dự án ở giai đoạn ươm mầm để họ trưởng thành hơn và có thể tiếp cận với nguồn vốn lớn hơn.

Ông Jean Charles Guilbert là chuyên gia cho Ủy ban Châu Âu và nhiều cơ quan nhà nước tập trung vào đổi mới sáng tạo hướng về phát triển công nghệ mới. Ông cũng là thành viên thường trực của Ủy ban chịu trách nhiệm về công tác đánh giá chính sách đổi mới sáng tạo của Chính phủ Pháp. Ông Jean Charles Guibert được bổ nhiệm làm Giám đốc chuyển giao công nghệ của CEA từ tháng 10 năm 2004 - 2016. Năm 2017, Jean Charles Guibert là cố vấn công nghệ cho Tổng giám đốc Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử (CEA) về đổi mới sáng tạo toàn cầu.