Thống kê sơ bộ của Geektime, hiện Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), 40 quỹ đầu tư mạo hiểm cho startup đang hoạt động, 24 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 30 khu làm việc chung...

Năm 2016-2017, cộng đồng khởi nghiệp chứng kiến sự lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam. Thống kê sơ bộ của Geektime - ấn phẩm truyền thông về công nghệ lớn nhất thế giới - và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), 40 quỹ đầu tư mạo hiểm cho startup đang hoạt động, 24 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 30 khu làm việc chung...

Sự lớn mạnh này được giới chuyên môn cho rằng đó là nhờ việc xây dựng hành lang pháp lý ở Việt Nam trong 2 năm gần đây đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó vai trò điều phối chính là Bộ KH&CN.

Đặc biệt, trong năm 2017, việc Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật Chuyển giao công nghệ đã gỡ nút thắt cho sự phát triển các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Trong đó có một thành tố quan trọng là tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành Quỹ Đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam.

Các startup tại không gian làm việc chung Up-Coworking Space. Ảnh: Phượng Hằng
Các startup tại không gian làm việc chung Up-Coworking Space. Ảnh: Phượng Hằng

Sự chuyển động tích cực này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, một trong số đó là việc tổ chức ngày hội khởi nghiệp ĐMST (Techfest). Nói như bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley - thì “những năm vừa qua, cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam hoạt động rất sôi nổi. Thông qua Techfest, các nhà đầu tư, các quỹ kỳ vọng sẽ xây dựng được môi trường về đầu tư mạo hiểm và thị trường về vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp”.

Sau tất cả những tác động này, việc tạo sân chơi để kết nối những người có ý tưởng hay và khát vọng khởi nghiệp với các nhà đầu tư để biến ý tưởng đó thành các dự án khả thi, có sản phẩm đưa ra được thị trường cũng là kỳ vọng của techfest. Để “sân chơi” thực sự có hiệu quả, Techfest 2017 đã có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức, trong đó có việc chia riêng từng lĩnh vực theo các “làng khởi nghiệp”. Sự đổi mới về cách thức tổ chức này nhằm chuyên môn hóa từng lĩnh vực, giúp nhà khởi nghiệp có cơ hội giới thiệu dự án của mình hiệu quả hơn, nhà đầu tư cũng có thêm nhiều thời gian và thông tin hơn để ra quyết định đầu tư. Khi có nhiều thông tin, nhà đầu tư “so bó đũa chọn cột cờ” sẽ giúp giảm bớt tình trạng đầu tư đại trà, đi vào số lượng như chính bản thân các startup đang lo lắng.


Thực tế ở Việt Nam thời gian qua từng có nhiều dự án thu hút được vốn đầu tư lớn, trong đó riêng năm 2016 ngành công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam đã thu hút được 129 triệu USD và cũng không ít công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ truyền thông được các nhà đầu tư quan tâm, rót tiền. Song số doanh nghiệp “sống sót” gọi được vốn và có sản phẩm chiếm lĩnh thị trường cũng chưa phải là nhiều.

Chính vì vậy, một điểm đáng quan tâm đối với các startup đó là đưa ra ý tưởng đủ hấp dẫn để kêu gọi được vốn từ các nhà đầu tư đã là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là sau khi đi vào hoạt động phải có sản phẩm, nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm chiếm lĩnh thị trường và có doanh thu. Khi đó không chỉ các startup thành công mà còn xây được niềm tin cho các nhà đầu tư.

Bởi nói như ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch nhóm công tác khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) - có một nỗi lo hiện nay có rất nhiều nguồn đầu tư, các startup vẫn gọi được vốn nhưng nếu 2 năm tới số lượng startup thành công không đạt đến được 1% thì sau 2 năm sẽ không còn ai đầu tư nữa. Đấy là nguy cơ của hệ sinh thái nếu chúng ta không nhìn ra cốt lõi.