Các đề xuất của Indonesia về việc thành lập Ngày Hồ Thế giới, thành lập trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như sáng kiến thúc đẩy các dự án quản lý tài nguyên nước trên các đảo nhỏ đều được thông qua tại Diễn đàn Nước Thế giới mới đây.

Bộ trưởng Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia Basuki Hadimuljono, Thứ trưởng Bộ Môi trường, Nguồn nước và Nông nghiệp Ả Rập Saudi Abdulaziz Al Shaibani, Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới Loic Fauchon (áo đen lần lượt từ trái sang phải) tại lễ bế mạc Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 diễn ra vào ngày 24/5. Ảnh: World Water Forum 2024/ Nyoman Hendra Wibowo
Bộ trưởng Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia Basuki Hadimuljono; Thứ trưởng Bộ Môi trường, Nguồn nước và Nông nghiệp Ả Rập Saudi Abdulaziz Al Shaibani; Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới Loic Fauchon (áo đen lần lượt từ trái sang) tại lễ bế mạc Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 diễn ra vào ngày 24/5. Ảnh: World Water Forum 2024/ Nyoman Hendra Wibowo

9,4 tỷ USD cho 113 dự án nước sạch

Bộ trưởng Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia, Basuki Hadimuljono, đã bế mạc Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 vào thứ Sáu, 24/5, tại Nusa Dua, Bali, Indonesia. Diễn đàn năm nay có sự tham dự của 64 nghìn người đến từ 160 quốc gia với 278 phiên thảo luận và 254 gian hàng tại hội chợ và triển lãm.

Ông cho biết tất cả các chương trình nghị sự do Indonesia đề xuất đã được thực hiện thành công. Cụ thể, đề xuất của Indonesia về việc thành lập Ngày Hồ Thế giới, đề xuất thành lập trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như sáng kiến thúc đẩy các dự án quản lý tài nguyên nước trên các đảo nhỏ đều đã được thông qua.

Tuy nhiên, ông Basuki chia sẻ thêm rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa những sáng kiến này một cách hiệu quả. “Các cam kết khác nhau phải được thực hiện bằng những bước đi cụ thể và với tinh thần trách nhiệm cao”, ông nhận định.

Ban tổ chức đã công bố một bản tóm tắt các kết quả trong khuôn khổ Diễn đàn, cụ thể là thông tin về 113 dự án nước sạch và vệ sinh trị giá 9,4 tỷ USD dự định được triển khai với sự tham gia của 33 quốc gia và 53 tổ chức quốc tế với tư cách là những nhà ủng hộ và tài trợ, các bên được hưởng lợi từ dự án. Trong đó, có một số dự án tiêu biểu như "Kế hoạch tổng thể về Dự án hợp tác về nước giữa EU-Trung Quốc (2024-2027)" trị giá gần 803 nghìn USD với mục đích tăng cường an ninh nguồn nước thông qua trao đổi công nghệ và thúc đẩy đối thoại chính sách, cũng như tăng cường phát triển bền vững liên quan đến nước; "Chương trình Khan hiếm Nước Châu Á Thái Bình Dương" trị giá 300 nghìn USD do Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc FAO và Hiệp hội Nước Toàn cầu GWP phối hợp thực hiện nhằm giúp cải thiện chính sách và năng lực về quản lý nước bền vững tại Đông Nam Á.

Ông Basuki cho biết những thách thức trong lĩnh vực nước và vệ sinh cần một cách tiếp cận toàn diện và liên ngành, điều này đòi hỏi phải tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan. Do đó, mỗi nước nên đóng góp theo khả năng của mình. “Trong chương trình nghị sự về nước toàn cầu, mỗi quốc gia phải là một phần của giải pháp thông qua hợp tác và san sẻ, chứ không phải là cạnh tranh với nhau”, ông nhấn mạnh.

Với chủ đề “Nước vì sự thịnh vượng chung”, Diễn đàn lần này là dịp để chính phủ các nước, các nhà khoa học, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGO), doanh nghiệp, thanh niên trên khắp thế giới cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước.

Lê Thị Phương Dung (sinh viên năm thứ ba ở Trường ĐH Oberlin, Ohio, Mỹ), một trong 60 đại diện thanh niên Bali do Chính phủ Indonesia lựa chọn tham gia Diễn đàn, cho biết đã dành thời gian tham dự các phiên thảo luận theo chuyên đề. “Mình đặc biệt quan tâm đến chủ đề về nông nghiệp, tri ​​thức bản địa, hệ thống lương thực và an ninh lương thực, quản lý vệ sinh v.v.”.

Phương Dung nhận thấy Diễn đàn đã ​​kết nối được nhiều bên liên quan về nước, thảo luận các vấn đề nước toàn cầu, chính sách quản lý nước và vệ sinh. Tuy nhiên, theo bạn, giống như một số hội nghị lớn trước đây từng bị chỉ trích vì cách tiếp cận từ trên xuống, thiếu tiếng nói và quan điểm của cộng đồng, “Diễn đàn Nước Thế giới cũng thiếu tiếng nói của người dân bản địa, đặc biệt là trong những phiên thảo luận về cách áp dụng tri thức bản địa vào các chương trình quy mô lớn, mang tầm quốc gia”. “Mặc dù Diễn đàn lần này đã gia tăng sự hiện diện của các NGO, nhưng mình mong muốn được lắng nghe thêm chia sẻ từ những NGO ở quy mô cấp địa phương, cơ sở," Phương Dung cho biết.

Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 11: Nước chủ nhà sẽ chia sẻ kinh nghiệm biến nước biển thành nước ngọt

Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 11 sẽ diễn ra tại Ả Rập Saudi vào năm 2027. “Chúng tôi sống trong một khu vực đông đúc và khô hạn", Thứ trưởng Bộ Môi trường, Nguồn nước và Nông nghiệp Ả Rập Saudi, Abdulaziz Al Shaibani, chia sẻ tại phiên họp đặc biệt diễn ra vào ngày 24/5. Để khắc phục vấn đề này, ông Abdulaziz cho biết Ả Rập Saudi đã thông qua Chiến lược Nước Quốc gia từ năm 2016 để đảm bảo rằng người dân được tiếp cận nguồn nước một cách đầy đủ.

Trong Chiến lược Nước Quốc gia, Ả Rập Saudi đã áp dụng thành công công nghệ khử muối, một quá trình chuyển đổi nước biển thành nước ngọt. Chính phủ nước này cũng đang triển khai nhiều chương trình khác để phát triển tài nguyên nước, như thu gom nước mưa và tái chế nước thải.

Ông Abdullah Al Zuwaid thuộc Cơ quan Nước Ả Rập Xê Út (SWA) giải thích rằng tổng công suất nước khử muối của Ả Rập Saudi sẽ đạt 13,3 triệu mét khối mỗi ngày vào cuối năm 2024. Ít nhất 43 nhà máy khử muối trong nước ở Ả Rập Saudi sẽ được vận hành, sử dụng công nghệ tối tân thân thiện với môi trường và ứng dụng năng lượng tái tạo. “Công nghệ chúng tôi đang sử dụng là một trong những công nghệ tiêu thụ năng lượng thấp nhất thế giới, chỉ 2,27 kwh/m3 cho một nhà máy khử muối nhỏ”, ông nhấn mạnh.

Đại diện Ả Rập Saudi cho hay tại Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 11, họ sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình và sẽ mời những người tham gia tận mắt quan sát quá trình vận hành của công nghệ khử muối - một giải pháp cho vấn đề tiếp cận nước sạch trên thế giới.