Tại Diễn đàn Nước Thế giới 2024 đang diễn ra ở Indonesia, Tổng thống nước chủ nhà đề cập các nguyên tắc quản lý nước bền vững, trong đó có đoàn kết và tránh cạnh tranh xuyên biên giới để giải quyết những thách thức chung.

President Joko Widodo welcomed President of the World Water Council, Loïc Fauchon, when visiting the mangrove seedling and propagation site as part of the High Level Meeting of 10th World Water Forum event at Ngurah Rai Forest Park (Tahura) in Denpasar, Bali, on Monday (20/5/2024). Media Center of World Water Forum 2024/Nova Wahyudi/tom/mif.
Tổng thống Joko Widodo (trái) và Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới Loic Fauchon đến thăm vườn ươm rừng ngập mặn tại Công viên Rừng Ngurah Rai (Tahura) ở Denpasar, Bali, vào thứ Hai. Ảnh: Nova Wahyudi/WWF 2024

World Water Forum là diễn đàn quốc tế về nước có quy mô lớn nhất thế giới, được tổ chức ba năm một lần. Năm nay, sự kiện diễn ra tại Bali, Indonesia từ ngày 18 đến 25/5. Indonesia là quốc gia thứ ba ở châu Á đăng cai tổ chức sự kiện này sau Nhật Bản và Hàn Quốc.

Với chủ đề “Nước vì sự thịnh vượng chung”, Diễn đàn là dịp để chính phủ các nước, các nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trên khắp thế giới cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới Loic Fauchon cho biết trước áp lực ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đô thị hóa, gia tăng dân số, nhu cầu về nước của con người cũng đang tăng lên. Trước tình cảnh đó, “chúng ta sẽ cần đặt niềm tin vào kỹ thuật và công nghệ, kết hợp với những đổi mới kỹ thuật số. Từ đó, chúng ta sẽ có thể khử muối nước nhiễm mặn, tái sử dụng nước thải, vận chuyển nước, sử dụng nước ngầm một cách thận trọng v.v.”, ông chia sẻ. Ông hy vọng tất cả các quốc gia sẽ thêm các nội dung về nước vào hiến pháp, luật pháp và chính sách địa phương. Bên cạnh đó, “các nước cần đoàn kết chứ không nên chia rẽ. Đó là cách để đảm bảo an ninh nguồn nước”.

Cũng trong buổi lễ, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề cập đến ba nguyên tắc về nước cần được thúc đẩy. Thứ nhất, cần tăng cường các nguyên tắc đoàn kết và toàn diện nhằm giải quyết những thách thức chung, đặc biệt đối với các quốc đảo nhỏ đang gặp phải tình trạng khan hiếm nước. Thứ hai, tránh cạnh tranh trong việc quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới. Thứ ba, Indonesia liên tục thúc đẩy cam kết chính trị như là chìa khóa thành công của nhiều hoạt động hợp tác khác nhau hướng tới an ninh nguồn nước bền vững. Theo ông, “ba nguyên tắc này đều có thể được hiện thực hóa thông qua hợp tác”.

Tại Phiên họp cấp cao của Diễn đàn, ông Widodo cũng đề cập đến bốn sáng kiến lớn mà Indonesia mong muốn thúc đẩy trong sự kiện lần này. Sáng kiến ​​đầu tiên là thành lập Ngày Hồ Thế giới, thứ hai là thành lập một trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Indonesia khuyến khích quản lý nước bền vững ở các quốc đảo nhỏ, và thúc đẩy triển khai các dự án về nước.

Diễn đàn bao gồm các phiên họp toàn thể và thảo luận chuyên đề, trong đó các chuyên gia trao đổi về các vấn đề như bảo tồn tài nguyên nước, quản lý chất thải, tiếp cận nước sạch và vệ sinh. Ngoài ra, các công ty và tổ chức trong lĩnh vực nước cũng trưng bày những công nghệ và giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực nước.

Trong khuôn khổ diễn đàn, TS. Phạm Ngọc Bảo (Phó Giám đốc Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu - IGES) đã trình bày về dự án nghiên cứu quản lý nước sinh hoạt tại TP Đà Nẵng trong phiên thảo luận “Quản lý nước thông minh để phục hồi và cung cấp các dịch vụ nước toàn diện”, CEO Nguyễn Khắc Minh Trí đã trình bày về hiệu quả hoạt động của startup MimosaTek tại phiên thảo luận “Thúc đẩy việc áp dụng các sáng kiến đổi mới về nước trong nông nghiệp: Nhìn từ chương trình WE4F”.

Bài viết nằm trong chương trình World Water Forum Media Fellowship do Mạng lưới Báo chí Trái đất (The Earth Journalism Network) trực thuộc Internews và Australian Water Partnership tổ chức.