Theo Cục Thống kê Trung Quốc, trong năm 2022, dân số Trung Quốc đã giảm 850.000 người so với năm 2021. Đây là lần đầu dân số nước này giảm, kể từ nạn đói lớn trong giai đoạn 1959-1961.
Cụ thể, năm 2022, dân số Trung Quốc đạt 1,412 tỷ với số ca sinh giảm từ 10,62 triệu trẻ vào năm 2021 xuống 9,56 triệu và số ca sinh trên một nghìn dân giảm từ 7,52 trẻ xuống 6,77.
Ở Trung Quốc, số con trung bình mà một phụ nữ có trong đời được duy trì ở mức khoảng 1,66 trẻ từ năm 1991 tới năm 2017 dưới ảnh hưởng của chính sách một con, nhưng rồi giảm xuống còn 1,28 trẻ vào năm 2020 và 1,15 trong năm 2021. Tổng tỷ suất sinh này thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế - con số được cho là cần thiết để duy trì dân số - là 2,1. Nó cũng thấp hơn tỷ lệ 1,7 của Mỹ và 1,6 của Úc. Thậm chí, nó còn dưới cả tỷ lệ vốn đã thấp bất thường của dân số Nhật Bản đang già hóa là 1,3.
Dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia, GS Trần Vệ tại Đại học Nhân Dân Trung Hoa đã tính toán và cho biết tổng tỷ suất sinh trong năm 2022 chỉ còn 1,08.
Một phần nguyên nhân của tình trạng suy giảm dân số ở Trung Quốc là do trong ba năm dịch COVID hoành hành, tỷ lệ kết hôn giảm và các cặp đôi trẻ không sẵn sàng có con.
Song ngay cả trước khi có những hạn chế về đi lại và giao tiếp do dịch bệnh, phụ nữ Trung Quốc vốn đã ngần ngại có con và không ham những ưu đãi cho việc sinh thêm con mà chính phủ đưa ra sau khi chính sách một con kết thúc vào năm 2016.
Một giả thuyết là chính sách một con khiến người dân đã quen với gia đình có quy mô nhỏ. Các giả thuyết khác cho rằng giá sinh hoạt tăng cao và độ tuổi kết hôn ngày càng muộn, khiến người trẻ trì hoãn và không mặn mà gì với việc có con.
Bên cạnh đó, chính sách một con đẩy Trung Quốc vào tình trạng có ít phụ nữ ở độ tuổi mang thai hơn kỳ vọng. Vì số lượng con bị giới hạn, các gia đình đã lựa chọn giới tính khi sinh, nâng tỷ lệ chênh lệch nam/nữ ở Trung Quốc lên hàng cao nhất thế giới.
Năm 2021, số ca tử vong xấp xỉ số ca sinh, ở mức 10,14 triệu ca; và tăng lên 10,41 triệu ca vào năm 2022 do ảnh hưởng của dân số già đi và dịch bệnh COVID.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc có thể sẽ phục hồi trong vài năm tới, do dịch bớt nghiêm trọng và nhà nước bổ sung các chính sách khuyến khích đối với việc sinh thêm con.
Nhưng bất kỳ tình trạng phục hồi nào nhiều khả năng chỉ diễn ra tạm thời.
Khi tổng tỷ suất sinh ở mức thấp trong một thời gian dài mà không có nhiều người nhập cư, thì suy giảm dân số là điều không thể tránh khỏi.
Nếu Trung Quốc nhanh chóng nâng tổng tỷ suất sinh và duy trì được mức sinh thay thế là 2,1, nước này sẽ mất 40 năm hoặc hơn mới bắt đầu tăng trưởng dân số ổn định trở lại.
Song, bằng chứng từ các quốc gia ở châu Âu - những nước đầu tiên trải qua tình trạng tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số - cho thấy một khi tỷ lệ sinh xuống thấp hơn mức sinh thay thế thì sẽ rất khó để quay lại mức 2,1.
Nếu Trung Quốc có thể nâng tỷ lệ sinh lên 1,3 vào năm 2023, rồi dần dần lên mức 1,49 vào cuối thế kỷ như Liên hợp quốc (LHQ) dự đoán vào cuối năm ngoái, thì dân số nước này vẫn tiếp tục giảm. LHP phỏng đoán dân số Trung Quốc sẽ giảm một nửa, xuống 766,67 triệu người vào cuối thế kỷ.
Nhiều khả năng tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc sẽ còn giảm nữa. Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải dự đoán con số này sẽ giảm xuống 1,1, đẩy dân số xuống còn 587 triệu người vào năm 2100.
Sự giảm sút như vậy là có thể xảy ra. Tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc đã rơi xuống còn 0,81 vào năm 2021.
Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất trên thế giới, chiếm hơn một phần sáu dân số toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc dân số Trung Quốc sẽ tác động tới thời điểm dân số thế giới bắt đầu giảm.
Năm 2022, LHQ thay đổi dự đoán về thời điểm dân số thế giới đạt đỉnh, cho rằng điều này diễn ra vào năm 2086, sớm hơn 20 năm so với ước tính trước đó.
Ấn Độ có thể sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2022. LHQ dự đoán nước này sẽ có 1,7 tỷ dân - so với 1,4 tỷ dân của Trung Quốc vào năm 2050.
Rất khó để dự đoán khi nào và liệu dân số thế giới có giảm hay không, nhưng xét tới tình trạng xảy ra ở Trung Quốc, nhiều khả năng ngày đó sẽ tới sớm hơn.
Nguồn: