Việc trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (NAE) không chỉ là sự ghi nhận về chuyên môn và năng lực lãnh đạo vượt trội của các nhà khoa học mà còn là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, kết nối và tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu trọng điểm.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ tại Đại học California, Santa Barbara, quen thuộc hơn với công chúng Việt Nam trong vai trò đồng chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture. Bà có những công trình nghiên cứu quan trọng về quang điện hữu cơ cho các tòa nhà và nhà kính tiết kiệm năng lượng. Bà được các viện sĩ NAE đương nhiệm đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực này.
“Việc được bầu làm thành viên Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ vừa là niềm vinh dự lớn lao cùng với đó là ý thức trách nhiệm về việc cần đóng góp nhiều hơn nữa,” Giáo sư Thục Quyên chia sẻ. “Trách nhiệm của tôi sẽ không chỉ dừng ở những việc đang làm hằng ngày như nghiên cứu hay giảng dạy mà còn là trách nhiệm với cả xã hội. Trong tương lai, tôi mong muốn sẽ hỗ trợ thêm nhiều nhà khoa học nữ hơn nữa.”
Cùng đợt kết nạp với Giáo sư Nguyễn Thục Quyên còn có 123 thành viên khác, nâng tổng số viện sĩ hiện tại của NAE lên 2.420 người Mỹ và 319 người nước ngoài. Đặc biệt, trong số đó có Tiến sĩ Xuedong Huang, Giám đốc Công nghệ Azure AI, Tập đoàn Microsoft, cũng là thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Ông được bầu làm tân viện sĩ của NAE do những đóng góp vượt bậc trong việc phát triển các sản phẩm, công nghệ ngôn ngữ và lời nói, bao gồm phát triển các hệ thống thông minh trên nền tảng đám mây.
Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (NAE) được thành lập vào năm 1964, với sứ mệnh thúc đẩy sự thịnh vượng của đất nước, thông qua việc thúc đẩy các nhóm ngành kỹ thuật, đưa ra tư vấn chuyên môn cho chính phủ trong những vấn đề kỹ thuật và công nghệ.
Thái Thanh