Một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 như AI, xử lý dữ liệu lớn, robot tự hành, robot cộng tác, phương tiện bay không người lái, năng lượng hidro... sẽ được Chương trình KC-4.0/19-25 tập trung triển khai thực hiện từ nay đến năm 2030.

Ngày 11/11, tại TPHCM, Bộ KH&CN phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo Đánh giá Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-04/19-25, giai đoạn 2019-2023 và định hướng đến năm 2030.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, ngày 17/9/2018, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” đã được phê duyệt tại Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cần làm rõ khung Chương trình giai đoạn tới theo hướng tới làm chủ, phát triển các công nghệ của CMCN 4.0, tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 mà Việt Nam có lợi thế, để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, hỗ trợ phát triển và đổi mới các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức trong các lĩnh vực ưu tiên cần chuyển đổi số.

Đồng thời, Chương trình cũng cần nghiên cứu các bộ quy tắc về đạo đức và trách nhiệm trong việc phát triển, ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0, các công cụ hỗ trợ thực hành và đánh giá việc áp dụng các bộ quy tắc đạo đức và trách nhiệm… để tạo thuận lợi, chủ động tham gia CMCN4.0 cũng như phòng ngừa, ứng phó các tác động tiêu cực đến xã hội, con người Việt Nam.

Bộ trường Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội thảo.  Ảnh: KA
Bộ trường Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: KA

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ và Ban Chủ nhiệm tiếp thu nghiêm túc các ý kiến hôm nay để tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình cho giai đoạn tới, trước mắt là việc hoàn thiện Khung Chương trình kéo dài đến năm 2030 để trình ban hành trong năm 2023.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình KC-04/19-25, sau hơn 4 năm triển khai, có 7 nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu, 40 nhiệm vụ đang triển khai, trong đó, có một số nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì nghiên cứu, phát triển, ứng dụng. Các nghiên cứu được định hướng có địa chỉ ứng dụng và chuyển giao công nghệ triển khai thực tế và đều có sự tham gia doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng.

Một số công trình được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn như robot thông minh hình dáng giống người, hỗ trợ dạy tiếng Anh trong trường tiểu học; Hệ thống hỗ trợ thực hành tiền lâm sàng nhi khoa dựa trên công nghệ thực tế ảo; Phát triển hệ thống dịch đa ngữ giữa tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác; Hệ thống tự động phát hiện, cảnh bảo và ngăn chặn tấn công mạng nhằm vào các thiết bị IoT cỡ nhỏ sử dụng mạng lưới tác tử thông minh; Hệ thống AI hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường hay gặp ở Việt Nam; Hệ thống AI tích hợp dữ liệu địa chất dầu khí đánh giá triển vọng dầu khí;…

Thứ trưởng Bùi Thế Duy trao đổi một số vấn đề về Chương trình   Ảnh: KA
Thứ trưởng Bùi Thế Duy trao đổi một số vấn đề về Chương trình Ảnh: KA

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2023, Chương trình ưu tiên các đề xuất có sản phẩm, có thể triển khai ứng dụng trực tiếp trong đời sống, lan tỏa trong xã hội. Ngoài ra, ưu tiên các đề xuất có sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN. Đặc biệt các đề xuất có sự phối hợp các công ty khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ, hoàn thiện công nghệ; đổi mới và triển khai mô hình quản trị, sản xuất - kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và quan trọng.

Chương trình sẽ tập trung vào các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 như AI, xử lý dữ liệu lớn, robot tự hành, robot cộng tác, phương tiện bay không người lái, chip sinh học và cảm biến sinh học, năng lượng Hydro, y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô, công nghệ năng lượng đại dương và năng lượng sóng,…

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, Chủ nhiệm Chương trình KC-4.0/19-25, thực tế năng lực nghiên cứu, khả năng thu hút đầu tư xã hội của các viện trường khu vực phía Nam là rất lớn. Trong khi đó, có rất ít các nhiệm vụ thuộc Chương trình KC-4.0/19-25 được triển khai thực hiện ở khu vực này. Vì vậy, ông Quân cho rằng, quy trình thủ tục xét duyệt, các đề tài nghiên cứu cần thực hiện thực hiện trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt khó khăn cho các nhà khoa học. “Những công trình nghiên cứu cần có địa chỉ ứng dụng cụ thể, sản phẩm có sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, công khai, minh bạch các nhiệm vụ trong suốt quá trình thực hiện từ khâu xét duyệt đến kết quả nghiên cứu và khả năng ứng dụng”, ông Quân nói.

Chủ nhiệm đề tài giới thiệu kết quả nghiên cứu.  Ảnh: KA
Chủ nhiệm đề tài giới thiệu kết quả nghiên cứu. Ảnh: KA

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến như cần có cơ chế nhà khoa học được thương mại hóa kết quản nghiên cứu của mình theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, tăng cường truyền thông về Chương trình để doanh nghiệp biết đến nhiều hơn…. Ngoài ra, các đại biểu mong muốn được hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục hành chính, quy trình đăng ký, viết thuyết minh nhiệm vụ, cách triển khai đề tài để phù hợp với mục tiêu và nội dung của Chương trình đã đặt ra. Đối với những đề tài không được xét duyệt, các nhà khoa học cũng mong nhận được những nhận xét, phản hồi cụ thể từ hội đồng chuyên gia để sửa đổi và hoàn thiện hơn.