Ngày 10/11, một nhóm gồm hơn 140 bác sĩ thuộc Bệnh viện Langone Health, Đại học New York thông báo đã thực hiện ca ghép toàn bộ mắt đầu tiên trên thế giới.
Các bác sĩ đã loại bỏ một phần khuôn mặt và toàn bộ mắt trái của người hiến tặng và ghép chúng cho Aaron James (46 tuổi), từng là công nhân điện lực ở bang Arkansas. Aaron James đã gặp tai nạn dẫn đến mất mắt trái và một phần khuôn mặt. Bệnh nhân nhận mắt hiến tặng từ một người sống, lần đầu tiên trên thế giới.
Sau ca mổ, mắt của James có những tiến triển đáng chú ý. Dù hiện vẫn chưa rõ bệnh nhân có thể khôi phục thị lực hay không, song ca ghép này vẫn được coi là một đột phá y học.
Nguồn: NYU Langone Health
Hồi tháng 6/2021, khi đang làm việc tại một công trường, James đã bị thương nặng, hỏng mắt trái, cánh tay trái, mũi, môi, răng cửa, vùng má trái và cằm sau khi bị đường dây điện 7.200 Volt văng vào mặt. Thương tích nghiêm trọng đến nỗi phần xương cằm, hộp sọ của anh lộ ra ngoài.
James đã được chuyển đến NYU Langone Health - Trung tâm y tế hàng đầu về ghép mặt.
Tiến sĩ Eduardo Rodriguez - giám đốc Chương trình Cấy ghép Mặt của Bệnh viện Langone Health biết đến trường hợp của James thông qua một người đồng nghiệp. "Chúng ta luôn nói về cơ hội thứ hai trong cuộc đời và bệnh nhân James đã được trao cơ hội đó," Eduardo Rodriguez - người chỉ đạo cuộc phẫu thuật kéo dài 21 giờ, chia sẻ. Ông cho biết cuộc phẫu thuật sử dụng phương pháp cắt 3D, cho phép các bác sỹ loại bỏ các đoạn xương khỏi cơ thể.
Ca mổ diễn ra tại hai căn phòng. Đầu tiên, các bác sĩ cắt bỏ vài phần trên khuôn mặt James và thay thế bằng mô người hiến tặng. Ở một phòng khác, tiến sĩ Rodriguez lấy nhãn cầu từ người hiến còn sống. Mọi công đoạn được thực hiện vô cùng nhanh chóng, bởi ở thời điểm này, mặt và mắt không nhận được bất kỳ nguồn cung cấp máu nào.
Theo bác sĩ võng mạc Vaidehi Dedania, mắt trái được cấy ghép đang trong tình trạng tốt khi được cung cấp máu, duy trì áp lực và tạo ra tín hiệu điện. Mặc dù bệnh nhân vẫn chưa thể nhìn thấy nhưng các bác sỹ vẫn đang rất hy vọng ca cấy ghép thành công.
Các bác sĩ tại NYU Langone Health cho biết, họ đã sử dụng tế bào gốc trưởng thành có nguồn gốc từ tủy xương để thúc đẩy quá trình phục hồi dây thần kinh. Việc khôi phục thị lực liên quan đến việc áp dụng các phương pháp tiên tiến khác, trong đó có liệu pháp gene để thúc đẩy sự tự phục hồi của dây thần kinh thị giác, sử dụng thiết bị để bảo vệ mô, hoặc sử dụng các thiết bị thu tín hiệu.
Ghép toàn bộ mắt được coi là một thành tựu lớn của y khoa. Các nhà nghiên cứu từng đạt một số thành công trong việc ghép toàn bộ mắt trên chuột, giúp chúng khôi phục một phần thị lực, song kỹ thuật này chưa từng được thực hiện trên người.
Giới chuyên gia khẳng định ca cấy ghép toàn bộ mắt cho thấy nỗ lực của các bác sĩ nhằm khôi phục thị lực cho bệnh nhân cũng như mang lại hy vọng cho nhiều người bệnh trên thế giới.
Xuất hiện trong buổi họp báo, James đã tỏ lòng biết ơn đến gia đình người hiến tặng và đội ngũ bác sĩ. Sau ca phẫu thuật, anh đã trở về cùng gia đình ở Arkansas hồi tháng 9 nhưng mỗi tháng sẽ quay lại kiểm tra sức khỏe ở New York.
Nguồn: CNN