Cuộc thi drone đầu tiên dành cho học sinh phổ thông đã tìm được các đại diện tham gia cuộc thi drone thế giới FAI 2023 ở Hàn Quốc vào đầu tháng 10 tới.
Sau gần hai tháng phát động, cuộc thi do Học viện Sáng tạo S3 (thành viên Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trung tâm Giáo dục STEM (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) tổ chức đã đi đến vòng chung kết. Trong đó, vòng quốc gia khu vực phía Bắc diễn ra vào ngày 23/7 tại TP Hà Nội với sự tranh tài của 47 thí sinh; và vòng quốc gia khu vực phía Nam diễn ra vào ngày 29/7 tại TPHCM với sự tham gia của gần 100 thí sinh.
Các đội thi đấu trực tiếp trên sa bàn và lập trình drone vượt qua các chướng ngại vật thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, Ban tổ chức thiết lập hai chướng ngại vật (với học sinh THCS) và ba chướng ngại vật (với học sinh THPT) là các vòng tròn có độ cao và góc quay khác nhau. Khi vượt qua chướng ngại vật, drone sẽ đáp ở khu vực đích và sẽ bay về vị trí xuất phát là một khu vực đường tròn đồng tâm. Drone đáp ở vị trí trung tâm đường tròn sẽ đạt điểm tối đa.
Các thí sinh được cung cấp drone Tello cỡ nhỏ giá trị khoảng 2 triệu đồng. Dòng drone này chuyên phục vụ cho hoạt động giáo dục với tầm bay thấp, thời gian hoạt động khoảng 7 phút cho một lần sạc đầy pin.
Kết quả, có tất cả 16 thí sinh hai miền đã được trao các giải chính, cụ thể như sau:
Tại bảng thi THCS:
- Giải nhất: Nguyễn Minh Đức (Trường THCS Ngoại Ngữ, Hà Nội), Bùi Văn Vinh (Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Nhà Bè, TPHCM)
- Giải nhì: Hoàng Trung Quân (Trường THCS Ngoại Ngữ, Hà Nội); Lương Bảo Khang (Vinschool Times City, Hà Nội); Lê Minh (Trường THCS Lê Văn Hưu, TPHCM)
- Giải ba: Nguyễn Văn Dũng (Trường TH & THCS FPT Cầu Giấy, Hà Nội), Nguyễn Quang Đạt (THCS Hợp Giang, TP Cao Bằng), Trần Tích Đăng Phong (Trường Song ngữ Quốc tế Hoàng gia Royal School, TPHCM)
Tại bảng thi THPT:
- Giải nhất: Phạm Quang Huy (Trường THCS & THPT FPT Hải Phòng), Trần Đình Huy Văn (Trường THPT Trưng Vương, Q1, TP.HCM)
- Giải nhì: Nguyễn Tuấn Minh (Trường Phổ thông liên cấp FPT Bắc Ninh), Nguyễn Nam Trọng Nhân (Trường THPT FPT Đà Nẵng); Trần Thanh Đạt (Trường THPT Chi Lăng, TP. Pleiku, Gia Lai).
- Giải ba: Vũ Lan Anh (Trường THPT Nguyễn Khuyến, Nam Định); Nguyễn Quang Huy (Trường THPT FPT Đà Nẵng); Trần Lê An (TrườngTHPT Chi Lăng, TP. Pleiku, Gia Lai)
Theo thể lệ cuộc thi, BTC sẽ chọn ra 20 thí sinh có thành tích tốt nhất (10 thí sinh ở mỗi khu vực) để đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi lập trình drone quốc tế FAI 2023 ở Namwon, Hàn Quốc vào tháng 10-2023 - gồm 16 thí sinh đạt thứ hạng Nhất-Nhì-Ba kể trên, và 4/6 thí sinh đạt giải khuyến khích ở chung kết khu vực miền Nam.
Các học sinh giành giải Nhất sẽ được tài trợ 50% kinh phí, trong đó có vé máy bay, chi phí lưu trú và di chuyển, để tham dự cuộc thi Drone thế giới. Những thí sinh còn lại tự túc kinh phí và được ban tổ chức hỗ trợ hồ sơ giấy tờ xin visa.
Theo các nhà tổ chức cuộc thi, việc dạy và học lập trình robot cho học sinh ở Việt Nam đã khá phổ biến ở cả khu vực miền núi và nông thôn, nhưng lập trình drones thì mới chỉ dược triển khai ở một số trường tư thục dưới hình thức CLB trải nghiệm.
"Về cơ bản, drone giáo dục sử dụng các ngôn ngữ lập trình mà học sinh đang được học để điểu khiển robot như Scratch hay Python. Vì thế việc chuyển sang lập trình cho drone không quá khó đối với học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ có những thách thức nhất định về mặt kỹ thuật khi việc di chuyển trên không còn phải tính đến các yếu tố thời tiết", TS. Đặng Văn Sơn, chủ tịch hội đồng khoa học của Học viện sáng tạo S3, chia sẻ với
Khoa học & Phát triển hồi tháng Sáu.
Dưới đây là một số hình ảnh của các thí sinh trong cuộc thi tại Hà Nội và TPHCM.
Trong quá trình di chuyển, drone va chạm với chướng ngại vật, thí sinh phải cho dừng hoạt động và quay về vị trí xuất phát để thi lại. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM (Đại học Sư phạm TP HCM)