Những học sinh đã làm quen với lập trình robot sẽ không gặp mấy khó khăn khi chuyển sang học lập trình drone, một nội dung mới và hấp dẫn của giáo dục STEM bắt đầu được các trường học quan tâm.
Máy bay không người lái, hay drone, là một trong những thiết bị công nghệ hết sức lôi cuốn giới trẻ. Drone có thể được vận hành với nhiều mức độ tự chủ khác nhau: hoặc dưới sự điều khiển từ xa hoặc theo chế độ tự động.
Mặc dù khởi đầu chủ yếu từ những ứng dụng quân sự, việc sử dụng drone ngày càng được mở rộng nhanh chóng tới thương mại, khoa học, giải trí, nông nghiệp và các ứng dụng khác, như giám sát và bảo vệ, giao hàng, chụp ảnh trên không, kiểm tra cơ sở hạ tầng v.v.
Chẳng hạn, việc dùng drone để chở hàng đã không còn xa lạ nữa: Amazon đã triển khai việc giao hàng bằng drone tại Mỹ và đạt được các thành công đáng kinh ngạc. Sẽ không lâu nữa, drone cũng có thể dùng để chở người và tạo nên các cuộc cách mạng trong cách thức di chuyển khoảng cách ngắn.
Nhờ có các tiến bộ vượt bậc về việc sản xuất, chế tạo drone nói chung mà các drone giáo dục cũng ra đời và đang dần xâm nhập vào nền giáo dục mới, hiện đại.
Drone giáo dục là thiết bị mô hình nhỏ, chủ yếu phục vụ học sinh học cách lập trình điều khiển độ cao, quãng đường, đường bay. Drone giáo dục cũng có chức năng quay phim, chụp ảnh, nhưng là trong nhà. Giá thấp nhất của drone giáo dục vào khoảng 100 USD hay khoảng hơn 2 triệu đồng, tương giá của robot giáo dục made in Vietnam.
Tại Việt Nam, việc dạy và học lập trình robot cho học sinh hiện đã khá phổ biến, ngay cả ở khu vực miền núi và nông thôn. Tuy nhiên, nội dung lập trình drone thì mới chỉ được triển khai ở một số trường tư dưới hình thức câu lạc bộ trải nghiệm.
Về cơ bản, drone giáo dục sử dụng các ngôn ngữ lập trình mà học sinh đang được học để điểu khiển robot như Scratch hay Python. Vì thế việc chuyển sang lập trình cho drone không quá khó đối với học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ có những thách thức nhất định về mặt kỹ thuật khi việc di chuyển trên không còn phải tính đến các yếu tố thời tiết.
Sân chơi lập trình drone đầu tiên đã mở
Mới đây, Học viện Sáng tạo S3 (thành viên Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trung tâm Giáo dục STEM (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) đã phát động cuộc thi “Lập trình drone – Chinh phục bầu trời” dành cho THCS và THPT. Đây là sân chơi về drone giáo dục đầu tiên ở Việt Nam.
Tham gia cuộc thi, các em có cơ hội học lập trình drone và so tài với nhau qua các vòng thi ở khu vực (gồm phía Bắc và phía Nam) và vòng chung kết toàn quốc, sau đó là vòng chung kết Cuộc thi Lập trình Drone quốc tế vào tháng 10 ở Namwon, Hàn Quốc.
Cuộc thi Lập trình Drone quốc tế được tổ chức thường niên bởi Liên đoàn Hàng không quốc tế FAI từ năm 2018. Năm 2023, FAI đã uỷ quyền cho Hiệp hội Hàng không Mô hình Hàn Quốc KAMA tổ chức vòng chung kết cuộc thi tại Namwon.
Học viện Sáng tạo S3 đã được FAI và KAMA ủy quyền cùng Trung tâm Giáo dục STEM thuộc Trường ĐH Sư phạm TPHCM đồng tổ chức các vòng thi ở Việt Nam.
Những thử thách chính mà cuộc thi đặt ra cho các thí sinh là vượt qua các chướng ngại vật bằng các đường bay khó và sáng tạo. Qua đó, các em được trang bị kiến thức nền quan trọng về kỹ thuật và công nghệ để xử lý, giải quyết các vấn đề thực tế nhất.
TS. Đặng Văn Sơn - nhà sáng lập Học viện Sáng tạo S3, cho biết: “Drone là mảng STEM hấp dẫn và mới lạ tại Việt Nam nhưng nó vốn dĩ rất quen thuộc và gần gũi với các em học sinh đam mê công nghệ, đồng thời có tính kết nối quốc tế cao. Chúng tôi cùng Trung tâm Giáo dục STEM thuộc Trường ĐH Sư phạm TPHCM rất vui mừng vì đã được ủy quyền tổ chức một cuộc thi lập trình drone cùng với các đối tác Hàn Quốc.”
Vòng chung kết toàn quốc diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 8 sẽ chọn ra 10 đội (gồm 10 học sinh THCS và 10 học sinh THPT) đại diện Việt Nam tham gia thi đấu từ ngày 6 đến ngày 9/10 tại Namwon. Đội giành giải đặc biệt tại vòng thi quốc gia sẽ được tài trợ kinh phí 100% tham dự vòng chung kết quốc tế.