Chính phủ coi 2016 là Năm khởi nghiệp quốc gia và TPHCM chắc chắn không đứng ngoài cuộc. Ông có thể chia sẻ quan điểm của thành phố về vấn đề khởi nghiệp hiện nay như thế nào?
Chúng tôi xác định tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp. Khởi nghiệp là lĩnh vực đột phá quan trọng nhằm thúc đẩy tiềm năng doanh nhân trẻ sáng tạo lập nghiệp, làm giàu cho chính mình và đóng góp cho sự thịnh vượng của thành phố.
Bên cạnh đó, khởi nghiệp là “mồi lửa” tạo ra động lực của sáng tạo. Việc thôi thúc “ngọn lửa” khởi nghiệp bùng cháy đang là quyết tâm chung của toàn xã hội, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của thành phố. Do đó, thành phố quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, trở thành đầu tàu về khởi nghiệp, tương xứng với vai trò một trung tâm lớn về kinh tế của cả nước.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
Mục tiêu này không phải chỉ là khẩu hiệu mà đang được thành phố triển khai như một trong những giải pháp trọng tâm, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, nhằm xây dựng TPHCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Vậy để thúc đẩy khởi nghiệp thành một lĩnh vực đột phá, thành phố đang có những giải pháp và bước đi cụ thể nào, thưa ông?
Mục tiêu phấn đấu của thành phố là đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó tập trung xây dựng những doanh nghiệp lớn, vươn tầm thế giới. Mục tiêu này là một tâm điểm, là trách nhiệm nặng nề vì bước vào giai đoạn phát triển mới, môi trường đầu tư, kinh doanh hiện tại vẫn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ, vốn ít, sử dụng lao động giản đơn, khó tiếp cận vốn, công nghệ, thị trường.
Để đạt được mục tiêu này, đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp trở thành một lĩnh vực đột phá, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chính sách đã đề ra, chủ động phối hợp các bộ, ngành trung ương hoàn thiện hệ thống thể chế, hướng đến mục tiêu phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; từng bước hình thành đồng bộ các loại thị trường và tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển thêm nhiều doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề then chốt, mũi nhọn của thành phố; tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; hình thành các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp (1.000 tỷ đồng); hình thành Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp thông qua tư vấn, đào tạo, ứng dụng, huấn luyện kỹ năng quản lý; đồng thời sẵn sàng lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, xóa bỏ các rào cản, đáp ứng những yêu cầu chính đáng của doanh nhân và doanh nghiệp.
Để có thể có được những doanh nghiệp công nghệ vươn ra tầm thế giới như vậy, theo ông thành phố cần phải có những chuẩn bị gì?
Các doanh nghiệp lớn của thành phố hiện nay hoàn toàn hội tụ đủ điều kiện để vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, các doanh nghiệp cần mang hoài bão lớn, mạnh dạn dấn thân khẳng định mình với khu vực và thế giới, chủ động đổi mới sáng tạo và đáp ứng được các điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một góc không gian làm việc chung tại Dreamplex - một trong những nơi các bạn trẻ khởi nghiệp ở TPHCM làm việc và chia sẻ. Ảnh: Dreamplex
Hiện nay, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp lớn mạnh với các giải pháp hỗ trợ và đồng hành, trọng tâm như: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu mạnh; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, trong đó chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, kiến tạo môi trường kinh doanh, công bằng, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân...
Sau khi thành phố có chủ trương, chắc chắn nhiều đơn vị sẽ cùng tham gia hỗ trợ khởi nghiệp, theo ông liệu có thể xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc” và không có trọng tâm không?
Hỗ trợ khởi nghiệp không phải chỉ là nhiệm vụ của chính quyền thành phố mà còn là sự đồng hành tham gia rộng rãi của toàn xã hội, trong đó có đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp. Thành phố khuyến khích từng doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp có thương hiệu mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ mới ra đời còn non trẻ. Các trường học tham gia hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Về phía mình, thành phố sẽ xây dựng một trung tâm khởi nghiệp để làm đầu mối tham mưu cho chính quyền và điều phối các đơn vị khởi nghiệp. Trung tâm này giữ vai trò là đầu mối thống nhất về phát triển khởi nghiệp, phối hợp các đơn vị để tránh tình trạng chồng chéo và kết nối hệ thống đào tạo với khởi nghiệp.
Ông có lời khuyên gì với các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay?
Các bạn trẻ hiện nay đang có trong tay đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, công nghệ, cơ hội giao lưu học hỏi với bên ngoài, đồng thời cũng năng động và ham học hỏi không kém so với nước ngoài; nhưng nếu muốn thành công, cái quan trọng nhất phải là tố chất, năng lực và quyết tâm của những người sáng lập ra doanh nghiệp. Tự các bạn doanh nhân trẻ phải nhiệt huyết, đam mê lớn với hoạt động khởi nghiệp của mình, nhưng lại phải tỉnh táo để biết thị trường của mình là gì. Cái đó theo tôi mới quan trọng, quyết định đến thành công của khởi nghiệp.
Còn các nội dung khác như chương trình hỗ trợ, đầu tư, chính sách, cơ chế chỉ là các điều kiện cần thôi, chứ chưa đủ. Tất cả là phải xuất phát từ bản thân những người làm khởi nghiệp xác định mục tiêu và con đường mình đi.
Xin cảm ơn ông!
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệpđổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”
Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành, phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. |
Đà Nẵng - “Thành phố khởi nghiệp”
Tại Startup Fair Đà Nẵng vào tháng 6/2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh rằng, sự ra đời của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp theo quyết định của UBND thành phố đã thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc đưa Đà Nẵng trở thành “thành phố khởi nghiệp”.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng triển khai hàng loạt hoạt động như ban hành chương trình “Phát triển khởi nghiệp năm 2016”, lập Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) - mô hình hợp tác công - tư đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp, đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ như cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ về tài chính, phát triển công nghệ mới … nhằm tạo động lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng. |
Hà Nội - “Thủ đô khởi nghiệp”
Ngày 16/3/2016, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tầng lớp thanh niên phải là nòng cốt trong việc xây dựng Hà Nội trở thành một “thủ đô khởi nghiệp”. Phát biểu ngày 4/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.
Để thực hiện các định hướng này, Hà Nội đã có nhiều hoạt động như xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể nhằm tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng đề án Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hình thành thành phố thông minh… |