Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, để giải quyết nhu cầu năng lượng - được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới, Việt Nam cần làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, tránh tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ý kiến này được nêu tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức, diễn ra sáng 9/8 tại Hà Nội. Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói: "Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc ngày một tăng. Nhu cầu về năng lượng là bài toán cần phải giải quyết trong thời gian tới. Chúng ta đang xây dựng cơ chế chính sách theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, một vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu”.
Quyết tâm giải bài toán này, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực năng lượng.
“Trong chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo... Bên cạnh đó, bộ cũng đặt hàng các đơn vị nghiên cứu giải pháp KH&CN nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Một trong những nghiên cứu đáng chú ý là “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” thuộc chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020".
Cũng tại diễn đàn, TS Nguyễn Hoàng Yến - Trưởng ban KH&CN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - chia sẻ khó khăn về công nghệ chế biến của các nhà máy lọc dầu: Mức độ tích hợp lọc dầu/hóa dầu rất thấp so với thế giới (tỷ lệ sản phẩm hóa dầu/lọc dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất 2,4%, Nghi Sơn là 13%). Trong khi đó, các sản phẩm hóa dầu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với lọc dầu, và việc tích hợp tối đa lọc dầu là xu hướng của thế giới.
Giải pháp mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ hướng tới, theo bà Yến, là đầu tư mạnh vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), mở rộng quy mô công suất các nhà máy lọc dầu ngang tầm khu vực/thế giới, sử dụng công nghệ hiện đại, chế biến sâu và tối đa hóa tích hợp lọc hóa dầu, tích hợp việc đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ kỹ thuật liên quan để tạo ra giá trị gia tăng cao, tiêu hao năng lượng thấp, giảm chi phí đầu tư, sản xuất và bảo vệ môi trường.
Tuệ Minh