Kết quả khảo sát cho thấy mức độ công khai thông tin ngân sách địa phương tuy tiếp tục được cải thiện, nhưng có dấu hiệu chững lại ở chỉ số về sự tham gia của người dân.
Đó là nhận định của chuyên gia tài chính công TS. Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu tại Hội thảo công bố trực tuyến Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh POBI 2020 ngày 3/6 vừa qua.
Khảo sát POBI là hoạt động thường niên do các tổ chức độc lập ngoài khu vực hành chính công bao gồm Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện từ năm 2017.
Chỉ số POBI là cơ sở để đánh giá mức độ công khai, minh bạch thông tin và sự tham gia của người dân trong chu trình ngân sách cấp tỉnh ở Việt Nam, từ khâu Lập ngân sách, Phê duyệt ngân sách, Thực hiện ngân sách đến Quyết toán ngân sách dựa trên các quy định của Luật Ngân sách hiện hành và các thông lệ tốt của quốc tế.
Nhiều tỉnh công khai đầy đủ hơn
Theo báo cáo khảo sát POBI, điểm trung bình về công khai ngân sách tỉnh năm 2020 đạt 69,09 trên tổng số 100 điểm và tăng thêm 3,54 điểm so với kết quả năm 2019.
Trong đó, có 27 tỉnh công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách Nhà nước (tăng 3 tỉnh so với năm 2019) và 29 tỉnh công khai tương đối đầy đủ (tăng 2 tỉnh so với năm 2019).
Bên cạnh đó, có 5 tỉnh công khai chưa đầy đủ (Đồng Tháp, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sóc Trăng) và 2 tỉnh không công khai (Đắk Lắk, Bình Phước) - tuy nhiên, con số thuộc cả 2 nhóm này đã giảm khá nhiều so với năm 2019.
Vĩnh Long tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng POBI 2020 với đạt 93,68 điểm. Kế đến là Đà Nẵng với 92,26 điểm và Bà Rịa-Vũng Tàu với 90,45 điểm. Báo cáo ghi nhận sự tăng hạng đáng kể của Lạng Sơn, từ vị trí áp chót bảng xếp hạng năm 2019 đã vươn lên thứ 16, thuộc nhóm tỉnh công khai đầy đủ thông tin trong năm 2020.
Đại diện của nhóm nghiên cứu cho biết, từ năm 2017, tức năm đầu tiên thực hiện khảo sát POBI, điểm số trung bình cả nước chỉ có 30 điểm, “nghĩa là, hầu như không tỉnh nào quan tâm đến việc tuân thủ minh bạch ngân sách theo tinh thần của Luật Ngân sách 2015”. Tuy nhiên, sang năm tiếp theo, các tỉnh đã có sự cải thiện mạnh mẽ khi nhận ra họ ở vị trí nào ở bảng xếp hạng. Điểm số POBI trung bình cả nước tăng vọt lên đến 50 và 65 điểm trong năm 2018 và 2019.
Ông Nguyễn Quang Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), một đơn vị cùng thực hiện nghiên cứu, cho biết đã nhận được nhiều trao đổi, phản hồi từ các Sở Tài chính trong quá trình khảo sát.
“Trong số 46 tỉnh có liên hệ với nhóm nghiên cứu, chúng tôi nhận được phản hồi của 40 tỉnh về kết quả khảo sát. Những phản hồi cho thấy hiện nay các tỉnh đều đã ý thức rõ về cuộc khảo sát và việc tham gia của họ giúp cho kết quả khảo sát được khách quan, khoa học, chính xác và tin cậy,” ông nói.
Người dân vẫn ít được tham gia
Tuy nhiên, trong báo cáo POBI 2020, nhóm tác giả nhận xét rằng “sự cải thiện về số điểm POBI có dấu hiệu chững lại”. Khi đặt vấn đề về sự tham gia của người dân vào quá trình ngân sách, TS. Vũ Sỹ Cường đưa ra một so sánh thú vị rằng “người dân có thể phản ứng mãnh liệt khi văn nghệ sĩ chi tiền từ thiện thiếu công khai minh bạch, nhưng lại thờ ơ với tiền do chính mình đóng góp vào ngân sách nhà nước”
Kết quả POBI 2020 cho thấy người dân tại nhiều nơi vẫn gặp trở ngại trong việc tham gia vào quá trình ngân sách. Số điểm về sự tham gia của người dân gần như không được cải thiện so với năm 2019, dao động ở mức khoảng 39 điểm.
Chỉ 40% số tỉnh/thành phố công khai quy chế/quy trình cung cấp thông tin cho người dân để người dân biết và tham gia.
Tỷ lệ công khai báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân và báo cáo tình hình nợ công của tỉnh vẫn tương đối thấp, thậm chí còn giảm nhẹ so với kết quả năm 2019. Đây là những báo cáo được xây dựng theo phong cách thân thiện, đại chúng khiến người dân có thể dễ dàng theo dõi các hoạt động ngân sách, đặc biệt là tình hình nợ công của địa phương.
Mới có 20 tỉnh - tức 31% - công khai tài liệu về Báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của kiểm toán nhà nước năm 2017, 2018 hoặc 2019.
Số các tỉnh công bố đầy đủ các dự thảo dự toán ngân sách và dự toán được thông qua vẫn tương đối thấp, lần lượt là 26 và 28 tỉnh. Hai tài liệu này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lấy ý kiến góp ý từ phía người dân và chuyên gia khi xây dựng ngân sách hằng năm tại địa phương.