Khi các nền tảng trực tuyến làm phát sinh nhiều thị trường ảo (virtual market) thì giữa nền kinh tế thực (real economy) và nền kinh tế số (digital economy) lại xuất hiện một khoảng trống.

Khoảng trống này có xu hướng ngày càng rộng ra khi nhiều người lên mạng (online) để tìm kiếm hàng hóa, dịch vụ, việc làm, … Rủi ro là thị trường sẽ trở nên kém hiệu quả khi các Big Tech áp đặt mức phí (rent) cao lên những người chơi trong nền kinh tế thực đang phụ thuộc vào giải pháp của họ.

Các Big Tech như Apple, Amazon, Facebook, … đang làm ăn phát đạt nhờ đại dịch Covid. Riêng Apple đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt vốn hóa thị trường trên 2000 tỷ USD.

Một tiền đề chính của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4IR) là các yếu tố hữu hình lẫn vô hình của nền kinh tế có thể cùng tồn tại để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Yếu tố hữu hình chính là cơ sở hạ tầng để những mạng lưới sản xuất và thương mại phức tạp vận hành; còn các yếu tố vô hình như hậu cần, truyền thông, ứng dụng phần mềm, dữ liệu lớn,… thì giúp cải thiện và tối ưu hiệu suất của những quy trình này.

Bên cạnh đó, các yếu tố hữu hình cũng là tiền đề cho nền kinh tế của những yếu tố vô hình. Thông qua số hóa, nhiều thứ hữu hình có thể được biến thành vô hình, sau đó vượt qua các hạn chế truyền thống (chẳng hạn về mặt quy mô, …) để kiến tạo giá trị. Mặc dù mang nặng tính giao dịch và sử dụng nhiều vốn, nhưng quá trình này cho đến nay vẫn là một cơ chế tích cực thúc đẩy tăng trưởng và mang cơ hội bình đẳng đến cho mọi quốc gia.

Tuy nhiên, lập luận trên của những người lạc quan về 4IR đã bỏ sót sự phân chia giữa các lĩnh vực thuộc địa hạt kỹ thuật số (vô hình) và vật chất thực (hữu hình) của nền kinh tế. Nhiều tên tuổi công nghệ được hưởng lợi từ sự thoái trào của những yếu tố sản xuất truyền thống thậm chí còn phát triển nhanh hơn nhờ Covid-19.

Lấy ví dụ, tính đến tháng 9/2020, giá cổ phiếu của Facebook, Amazon và Apple đã tăng hơn gấp đôi so với khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Riêng Apple còn trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới được định giá hơn 2 ngàn tỷ USD. Còn Netflix và Alphabet (Google), mặc dù không chứng kiến giá cổ phiếu tăng gấp đôi, nhưng cũng gần như lập đỉnh cao nhất mọi thời đại (ATH). Trong khi ExxonMobil, một biểu tượng của nền kinh tế hữu hình, lại bị loại khỏi chỉ số S&P 500 do quyết định chia tách cổ phiếu của Apple. Các cá nhân sở hữu và giới chức điều hành Big Tech đang kiếm được nhiều tiền hơn bao giờ hết trong lúc phần còn lại của nền kinh tế phải hứng chịu cơn bão.

Cùng với việc những tài sản trong nền kinh tế thực bị định giá thấp hơn nhiều so với các tài sản tài chính kỹ thuật số, doanh nghiệp sau đại dịch có lẽ sẽ phục hồi theo hình chữ K. Những công ty công nghệ có tiềm năng phát triển gần như không bị giới hạn, còn các doanh nghiệp khác lại tăng trưởng trói buộc trong môi trường mà họ hoạt động. Xu hướng này không chỉ thách thức những giả định về kiến tạo giá trị theo trường phái tân tự do mà còn đẩy chúng ta đến với viễn cảnh: các chính sách của chính phủ nhằm phân phối lại giá trị sẽ trở nên không còn phù hợp nữa.

Để khắc phục, nhiều chính phủ và đại diện từ khu vực tư nhân đã đề xuất một số biện pháp như đánh thuế tài sản kỹ thuật số. Trong khi những người ủng hộ phương án tiếp cận theo kiểu laissez-faire (thị trường tự do) lại tiếp tục nhấn mạnh rằng bất cứ hình thức can thiệp nào của chính phủ cũng sẽ chỉ khiến thị trường thêm méo mó. Tuy nhiên, không trường phái nào cung cấp đủ bằng chứng thuyết phục cho sự ưu tiên của mình.

Ở đây, chúng tôi xin được đưa ra ba gợi ý.

Thứ nhất, chính phủ có thể sử dụng các khoản tài trợ và trợ cấp để thúc đẩy sự phổ biến công nghệ, hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa những big tech với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Chẳng hạn, thay vì mong chờ thị trường tự điều chỉnh để mang lại khả năng tiếp cận công bằng đối với các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI),… chính phủ có thể tài trợ để những công ty quy mô nhỏ trực tiếp tiếp cận thông qua miễn giảm thuế hoặc nhiều biện pháp khác (như đã làm để khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm ô-tô thân thiện môi trường). Mặc dù các khoản chi như vậy sẽ làm tăng nợ công ngắn hạn, nhưng chi phí này sẽ được bù đắp nhờ năng suất tăng trưởng đi kèm với quyền lực kinh tế được phân phối cân bằng hơn.

Thứ hai, chúng ta cần thiết phải kiến tạo một mô hình đổi mới linh hoạt hơn, với sự tham gia của nhiều bên liên quan (multistakeholder), để giải quyết mối quan tâm về tính bao trùm (inclusive) và đại diện (representative) mà không kìm hãm tiến bộ công nghệ. Mục tiêu sau cùng phải là giảm thiểu sự căng thẳng giữa kẻ thắng và người thua trong chuỗi giá trị mới của kinh tế nền tảng (platform economy). Đã có nhiều ví dụ cho thấy: việc xác định đúng lợi ích của các stakeholder sẽ giúp nhà hoạch định giảm thiểu được những tác động tiêu cực không mong muốn bởi công nghệ mới mà không cần phải hy sinh tốc độ hay tính linh hoạt.

Thứ ba, đã tới lúc chúng ta cần bắt đầu xác lập không gian phù hợp cho “chủ nghĩa bảo hộ kỹ thuật số” (digital technology protectionism). Giống như nhiều quốc gia áp đặt thuế quan thương mại để hỗ trợ nền sản xuất non trẻ, thuế kỹ thuật số cũng có thể được sử dụng để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới trong nước. Biện pháp này không hẳn sẽ mang lại hiệu quả ở tất cả mọi nơi. Nhưng tại những nơi đã đạt ngưỡng nhất định trong việc tiếp nhận và phổ biến công nghệ, các chính sách như vậy hoàn toàn có thể khuyến khích những giải pháp ở cấp độ cơ sở, mang đến phương án tiếp cận mới – gắn với cộng đồng nhiều hơn – để quản trị cách thức công nghệ được thiết kế, triển khai và tài trợ.

Thế giới hậu Covid-19 sẽ mang đặc trưng của một nền kinh tế khập khiễng cùng nỗi sợ chung về tương lai trước những đổi thay quá lớn của đời sống kinh tế. Trong điều kiện và hoàn cảnh phù hợp, sự phổ biến công nghệ, nỗ lực đổi mới của các stakeholders và chính sách bảo hộ có thể giúp làm giảm sự phụ thuộc vào những Big Tech đang định hình thế giới công nghệ vì lợi ích của họ thay vì cân nhắc nhu cầu hoặc giá trị của các cộng đồng cụ thể.

Nhân loại đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng trầm trọng liên quan đến cơ hội và khả năng tiếp cận công nghệ, do những mô hình kinh doanh truyền thống trị đã được chứng minh là không có khả năng đảm bảo tính công bằng và hội nhập – vấn đề mà thị trường sẽ không thể tự điều chỉnh để khắc phục được. Mặc dù vẫn còn giải pháp nhằm hướng cuộc cách mạng kỹ thuật số mang lại lợi ích cho đa số chứ không phải các nhóm nhỏ, nhưng chúng ta trước tiên cần suy ngẫm lại về cách thức theo đuổi sự đổi mới và kiến tạo giá trị trong thế kỷ 21.

(*) Tác giả Mark Esposito: Đồng sáng lập và điều hành Diễn đàn Nexus FrontierTech, Sáng kiến 4IR Research Initiative tại Trường Quản trị Thunderbird School of Global Management, Đại học Arizona State University.
Landry Signé: Nghiên cứu viên cấp cao về Kinh tế và Phát triển toàn cầu, Tổ chức Sáng kiến Phát triển châu Phi (Africa Growth Initiative).
Nicholas Davis: Trưởng nhóm Nghiên cứu Xã hội và Đổi mới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).