Đại học RMIT Việt Nam sẽ tham gia dự án Nine Earth cùng với các đối tác ở Anh, Indonesia, Brazil và Lebanon. Đây là một trong 17 dự án hướng đến môi trường do Hội đồng Anh toàn cầu tổ chức.
Hội đồng Anh sẽ tổ chức 17 dự án vì môi trường với sự tham gia của 29 quốc gia. Ảnh: britishcouncil
17 Dự án Hợp tác sáng tạo vì khí hậu do Hội đồng Anh toàn cầu tổ chức có sự tham gia của các cá nhân và tổ chức ở Vương quốc Anh và 28 quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) nhằm góp phần chống biến đổi khí hậu thông qua giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, và khoa học.
Các dự án đã khởi động vào ngày 5/6 vừa qua với rất nhiều sáng kiến hướng đến các vấn đề như: di cư vì biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa, xói mòn bờ biển, phá rừng, đa dạng sinh học, cảnh quan, ô nhiễm không khí, cháy rừng và tan chảy sông băng...
Hội đồng Anh quyết định tập trung vào thế hệ trẻ trong những dự án này, bởi họ chính là những người vô cùng tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường. Một khảo sát của Hội đồng Anh với sự tham gia của gần 40.000 người trẻ trong độ tuổi 18–34 thuộc 36 quốc gia, bao gồm cả các nước G20, cho thấy biến đổi khí hậu được họ xem là vấn đề quan trọng nhất mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay. Tại Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam được thực hiện gần đây cũng cho thấy có tới 69% số bạn trẻ được hỏi có mong muốn đóng góp cho tương lai của Việt Nam thông qua các đóng góp có lợi cho môi trường và 14% xếp biến đổi khí hậu là một trong năm ưu tiên hàng đầu của họ.
Dự án Nine Earth mà Đại học RMIT Việt Nam tham gia là dự án hợp tác liên ngành nhằm khám phá mức độ ảnh hưởng của hoạt động tiêu thụ trong cuộc sống hằng ngày và sự khác biệt giữa các thành phố và nền văn hóa trên khắp thế giới. Dự án quy tụ các nghệ sĩ độc lập, các nhà hoạt động khí hậu và cộng đồng địa phương ở Anh, Indonesia, Lebanon, Brazil và Việt Nam để khám phá và ghi lại cuộc sống hằng ngày của chính họ. Dự án sẽ thu thập video, âm thanh, hình ảnh và các cuộc trò chuyện xoay quanh biến đổi khí hậu để phát sóng 24 giờ/ngày trong khoảng thời gian 4 tuần đầu tiên. Với bộ sưu tập trải nghiệm sống động này, dự án mong muốn tạo ra một triển lãm tương tác kỹ thuật số để thay đổi và nâng cao hiểu biết về cách mà các thói quen hằng ngày của chúng ta đang tác động đến khí hậu.
Song song với các dự án do Hội đồng Anh toàn cầu triển khai, Hội đồng Anh tại Việt Nam cũng thực hiện một số dự án liên quan đến môi trường. Tiêu biểu là dự án Dòng sông của sự sống, khởi động từ tháng 3/2021, đã và đang hỗ trợ mười dự án hành động vì xã hội với chủ đề biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu lên sông Cửu Long.
Ông Huỳnh Thanh Hùng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Đây là dự án rất ý nghĩa với đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Chính dự án này sẽ giúp đội ngũ giáo viên cũng như học sinh nâng cao hơn nữa nhận thức về biến đổi khí hậu đối với dòng sông, nơi đem lại sự sống cho con người.”
Dự án Dòng sông của Sự sống do Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức nhằm hỗ trợ mười dự án hành động vì khí hậu về chủ đề biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu lên sông Cửu Long. Ảnh: Britishcouncil.
Bên cạnh đó, Hội đồng Anh còn hỗ trợ hợp tác nghiên cứu quốc tế giữa Đại học Cần Thơ với các Đại học Southamton (Vương quốc Anh), Kyoto (Nhật Bản), Chulalongkon (Thái Lan) về nhu cầu xây dựng những chiến lược hợp nhất trong quản lý rủi ro các nguồn nước ở khu vực ASEAN trong bối cảnh khí hậu thay đổi. Hội đồng Anh cũng hỗ trợ tài chính cho hợp tác giữa Cục Khảo sát Địa chất Anh và Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Việt Nam trong dự án Hòa nhập cộng đồng với thích ứng và giảm nhẹ rủi ro liên quan đến thời tiết ở Việt Nam.