Việc thành lập Trung tâm nghiên cứu tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sẽ giúp thúc đẩy quá trình áp dụng các công nghệ mới cho cả khu vực rộng lớn này trong thời gian tới.

g
Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững (SRP) của Hợp tác xã nông nghiệp Hiếu Bình, ở huyện Vĩnh Thạnh được lắp đặt thiết bị IoT (Internet of Things) để thu thập tự động và có độ chính xác cao các thông tin về khí tượng thủy văn, dữ liệu về đất, nước,... tình hình phát triển của lúa. Ảnh: baocantho

Tại tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra vào ngày 29/9 vừa qua, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã đề nghị TP. Cần Thơ nghiên cứu thành lập Trung tâm nghiên cứu tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ mới và thiết thực cho cả khu vực rộng lớn này.

Một giải pháp khác mà Bộ trưởng nêu ra là “các tỉnh trong vùng còn cần chú trọng đầu tư vào những trường Đại học, Viện nghiên cứu của vùng ĐBSCL để phát huy hiệu quả nghiên cứu, đồng hành cùng các doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp chính là yếu tố tác động tích cực đến quá trình đổi mới sáng tạo cũng như sự phát triển kinh tế của vùng”.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung vào giải quyết những vấn đề lớn, bức thiết mang tính liên ngành, liên vùng như: Xây dựng các hệ thống đo đạc, giám sát tự động các thông số về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn… để kịp thời thông tin, chủ động phục vụ công tác dự báo và triển khai giải pháp nhằm kịp thời ứng phó theo từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan; đẩy mạnh đầu tư ứng dụng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là vùng không chủ động được nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng.

Cùng với đó, Bộ cũng sẽ tập trung nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để đảm bảo nguồn nước ngọt lâu dài, cấp nước ngọt chủ động, hợp vệ sinh cho các vùng khan hiếm nước ven biển; sớm đưa các giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông thuộc Chương trình KHCN vào ứng dụng thực tiễn…

Từ trước đến nay, phát triển bền vững vùng ĐBSCL là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ KH&CN trong các chương trình KH&CN cấp quốc gia như Chương trình KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Chương trình KH&CN phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường, Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững Vùng Tây Nam Bộ…

Là một trong những người tham gia quản lý Chương trình Tây Nam Bộ, PGS.TS Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Văn phòng Chương trình, cho biết 17 nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc Chương trình Tây Nam Bộ đã mang lại các tác động tích cực cho người dân trong khu vực. Trong số này, có thể kể đến nhiệm vụ xây dựng GIS cho Mekong Delta, nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp ứng với các vùng hạn mặn và nghiên cứu đặc điểm tại Bến Tre, nhiệm vụ chọn tạo giống lúa chịu mặn… Tuy nhiên, theo ông, để đáp ứng hơn nữa những vấn đề đang xảy ra ở ĐBSCL, chương trình vẫn cần phải làm tốt hơn nữa và khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện như “chương trình vẫn chưa gắn kết sâu sắc với doanh nghiệp nên kết quả chuyển giao còn nhiều hạn chế”.