Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào cuối tháng 9/2021, các nhà khoa học tại Đại học Northwestern (Mỹ) đã thu nhỏ một vi mạch xuống kích thước gần bằng một hạt cát và cung cấp cho nó khả năng bay. Đây là thiết bị bay nhỏ nhất do con người tạo ra từ ​​trước đến nay.

Lấy cảm hứng từ hình dạng của các hạt giống trong tự nhiên phát tán nhờ gió, nhóm nghiên cứu đã thiết kế vi mạch với cấu trúc ba cánh được tích hợp thêm các cảm biến, nguồn điện, ăng-ten để giao tiếp không dây và thậm chí cả bộ nhớ lưu trữ dữ liệu. Khi bay trong không khí nhờ lực đẩy của gió, thiết bị này sẽ xoay tròn giống như cánh quạt của máy bay trực thăng.

“Mục tiêu của chúng tôi là thêm khả năng bay cho các hệ thống điện tử quy mô nhỏ. Trong tương lai, chúng có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu nhằm giám sát ô nhiễm môi trường [ví dụ theo dõi sự cố tràn dầu, ô nhiễm không khí ở các độ cao khác nhau…], giám sát dân số hoặc theo dõi dịch bệnh”, John A. Rogers, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Để tránh làm tăng thêm vấn đề ô nhiễm của hành tinh, Rogers và cộng sự đã tìm cách chế tạo thiết bị bay từ vật liệu dễ phân hủy, có khả năng hòa tan trong nước sau khi nó không còn hữu dụng. “Chúng tôi sử dụng vật liệu polyme dễ phân hủy, dây dẫn và các vi mạch tích hợp cũng có thể phân hủy một cách tự nhiên thành những sản phẩm thân thiện với môi trường khi tiếp xúc với nước”, Rogers nói.

Nguồn: Sciencealert.com