PGS. TS Lê Thị Kim Phụng (Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TPHCM) và cộng sự đã tìm ra cách tổng hợp thân thiên với môi trường để tạo ra aerogel sinh học có thể loại bỏ chất ô nhiễm khỏi môi trường nước.

Kết quả nghiên cứu được nêu trong bài báo “Eco-friendly synthesis of durable aerogel composites from chitosan and pineapple leaf-based cellulose for Cr(VI) removal”, xuất bản trên tạp chí Separation and Purification Technology.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tập trung vào ô xít crôm (VI), một hợp chất vô cơ được sản xuất hằng năm, chủ yếu để mạ điện. Đây là một trong những chất gây ô nhiễm môi trường bậc nhất trong nước và là nguyên nhân dẫn đến ung thư cũng như các đột biến di truyền ở người. Do đó, họ đã phát triển phương pháp tổng hợp một dạng aerogel sinh học - một vật liệu siêu nhẹ và xốp - từ lá dứa và chitosan, một phụ phẩm từ vỏ tôm cua (bao gồm phương pháp đồng nhất, trộn, đông khô). Vật liệu của họ có nhiều đặc tính đáng chú ý, đó là khối lượng siêu nhẹ (20 đến 30 mg/cm3), độ xốp cao (trên 97,5%), có độ bền và khả năng chống chịu a xít cực mạnh (trong môi trường có độ pH là 3 thì vật liệu này chỉ mất đi dưới 12% khối lượng).

Kiểm tra vật liệu bằng kính hiển vi điện tử quét cho thấy, hàm lượng chitosan và độ pH của môi trường ảnh hưởng lên lên sự hấp phụ ô xít crôm. Sự hấp phụ này của sản phẩm có thể tương đương với vật liệu khung hữu cơ-kim loại chứa carbon có giá thành cao hơn. Mặt khác, năng lực hấp thụ của aerogel sinh học này vẫn được lưu giữ tới trên 75% sau 6 chu kỳ hấp thụ dung dịch kiềm natri hydroxide (NaOH). Đây sẽ là một gợi ý về giải pháp chống ô nhiễm môi trường nước hữu hiệu trong tương lai.