Giảm độ trễ trong nghiên cứu, kết nối các nghiên cứu khoa học với thị trường, nhanh chóng đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống sản xuất cần tới bệ đỡ chính sách nhằm tạo ra một môi trường đủ tốt cho nghiên cứu.

Đây chính là một trọng tâm sửa đổi chính sách của Bộ KH&CN trong nửa đầu năm 2023 và sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới, theo thông tin của ông Đỗ Thành Long, Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, tại Họp báo thường kỳ quý II của Bộ KH&CN, diễn ra vào ngày 19/7/2023.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang (trái) và ông Đỗ Thành Long,Chánh Văn phòng và là người phát ngôn của Bộ KH&CN.

Trong số nhiều văn bản chính sách sửa đổi, đề xuất sửa đổi cho đến hết quý II, đáng chú ý, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ để ban hành các quyết định về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN, quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao, cũng như xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã hoàn thiện nhiều đề án nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy môi trường nghiên cứu trong nước, như các đề án/ văn bản: nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định quy định về khu công nghệ cao; Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Quyết định phê duyệt Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030; Quyết định phê duyệt Đề án về giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động; Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định sửa đổi, bổ sung tên và một số điều về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Với kỳ vọng xây dựng cơ chế thông thoáng, giảm độ trễ và ngày càng phù hợp với đặc thù của nghiên cứu khoa học, song song với việc sửa đổi, bổ sung một loạt các chính sách này, Bộ KH&CN vẫn tiếp tục “điều chỉnh ngân sách nhà nước để duy trì và tăng dần tỉ lệ kinh phí dành cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và tăng cường các dự án sản xuất thử nghiệm, trong đó đầu tư đủ và tới ngưỡng cho các nhiệm vụ KH&CN đủ điều kiện để thương mại hóa sản phẩm. Đồng thời sẽ giảm thiểu các thủ tục hành chính hóa trong phân bổ nguồn lực cho KH&CN, tiếp tục thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư cho KH&CN và ĐMST”, theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ KH&CN.