“Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững”, chủ đề Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò của KH&CN trong phát triển đất nước, đặc biệt bối cảnh thế giới hôm nay.
Diễn ra vào ngày 17/5/2023, buổi lễ chào mừng ngày KH&CN Việt Nam đã trở thành nơi chia sẻ những câu chuyện phát triển công nghệ, làm ra những sản phẩm mới và trăn trở của các nhà khởi nghiệp, doanh nghiệp và các nhà quản lý.
Đại diện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Nguyễn Đức Tài, đồng sáng lập Lumi Việt Nam, chia sẻ hành trình khởi nghiệp từ khi bắt đầu là một nhóm kỹ sư robocon nhỏ tại Đại học Bách khoa Hà Nội đến khi tạo được một hệ thống các sản phẩm thiết bị nhà thông minh tích hợp IoT ‘make in Vietnam’ có khả năng xuất khẩu sang các nước như Israel, Thái Lan, Ấn Độ, Lebanon và được triển khai tại nhiều dự án trọng điểm trong nước.
Khi tham gia triển lãm nước ngoài, ông nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam còn rất mỏng, vì vậy hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp trẻ kiên trì, có khát vọng cho sản phẩm Việt để tạo ra được những mặt hàng công nghệ đủ khả năng xuất khẩu. Do đó, ông Tài cũng đưa ra kiến nghị về các cơ chế tài chính chấp nhận rủi ro cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay cho giai đoạn R&D dễ dàng hơn thay vì cần tài sản đảm bảo như hiện nay.
Đại diện cho khối doanh nghiệp lớn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Nafoods Group, chia sẻ về hành trình đưa ngành sản xuất mới chanh leo về Việt Nam. Trong 10 năm, ông đã hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài và thành lập các trung tâm R&D để phát triển giống chanh leo và các công nghệ sản xuất, trồng trọt cho loại nông sản này. Qua con đường này, ông nhận thấy việc ứng dụng công nghệ cao, không ngừng cải tiến và đổi mới đã giúp Nafoods và một số doanh nghiệp khác xuất khẩu chanh leo đi 70 nước trên toàn thế giới, vượt qua Nam Mỹ, tạo ra giá trị 600 triệu USD.
Tuy vậy, trước những cơ hội mới, đại diện Nafood vẫn trăn trở về việc làm sao cho nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẵn sàng đầu tư vào nghiên cứu khoa học, phát triển được những trung tâm R&D đẳng cấp quốc tế.
Là địa phương đạt được hiệu quả trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang kể câu chuyện về vải thiều đã nâng tầm giá trị, tiếp cận được với những thị trường khó tính như EU và Nhật Bản sau khi thiết lập được các tài sản trí tuệ có hiệu lực ở nước ngoài, bao gồm chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể. Ông cũng nhấn mạnh đến nỗ lực quản lý chặt chẽ các quy trình, chất lượng vùng trồng đã duy trì lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam và làm thay đổi toàn bộ đời sống của người nông dân địa phương theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, ông cũng mong muốn các nhà khoa học sẽ đẩy mạnh hơn trong việc nghiên cứu về thổ nhưỡng, tạo các giống cây ăn quả mới có hiệu quả cao, đồng thời, vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật để người dân sử dụng các hóa chất hữu cơ, chú trọng nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản nông sản…
Đại diện cho các tổ chức khoa học công nghệ công, TS Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương, kể về giai đoạn đơn vị đã "chuyển mình" thích ứng với bối cảnh đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường bằng cách tập trung phát triển các năng lực về tư vấn, thiết kế và chế tạo máy móc thiết bị công nghệ cao để có đủ khả năng làm tổng thầu EPC, EPCM cho các dự án lớn. Để làm được điều này, đơn vị đã liên danh, liên kết với các công ty trong và ngoài nước nhằm học hỏi và nhận chuyển giao công nghệ.
Kiến nghị với chính phủ, TS. Phong mong muốn nhà nước sẽ hoàn thiện hơn nữa các chính sách quản lý, đặc biệt là chính sách trong lĩnh vực mua bán và tiếp nhận công nghệ. Ông kỳ vọng Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp sở hữu công nghệ nền để vươn tầm khu vực và thế giới, tạo động lực cho phát triển bền vững.
Là một nhà khoa học trẻ, TS. Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu thiết kế và tổng hợp thuốc, trường Đại học Phenikaa, đã chia sẻ về qua trình nuôi dưỡng ước mơ làm nghiên cứu khoa học phục vụ cho chăm sóc sức khỏe toàn dân. Sau khi du học tại nhiều nước trên thế giới, anh lựa chọn quay về Việt Nam bởi thấy rằng môi trường khoa học trong nước hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được những nghiên cứu đẳng cấp thế giới.
Nhóm của anh đang có những nghiên cứu được chuyển thành đề tài hợp tác với các giáo sư hàng đầu thế giới, như nghiên cứu thuốc thay thế kháng sinh cùng GS Morten (Nobel hóa học 2022). Nghiên cứu này đã có kết quả bước đầu, tạo nên các các sản phẩm peptide dùng ngoài da có thể bào chế các loại kem trị bỏng dùng cho bộ đội hoặc các hóa chất dùng cho nông nghiệp, chăn nuôi và thực phẩm mà không tạo ra dư lượng kháng sinh.
Qua quá trình nghiên cứu và hợp tác quốc tế, anh cho rằng Việt Nam có thể đào tạo được thế hệ nhà khoa học trẻ kế cận ngay trong nước mà không cần ra nước ngoài học tập, sẽ có những sản phẩm khoa học do 100% người Việt thực hiện không chỉ phục vụ cho những bài toán của Việt Nam mà còn hỗ trợ cho cả quốc tế.. Anh cũng kỳ vọng sẽ có nhiều hơn nữa các quỹ đầu tư cho nhà khoa học tham gia nghiên cứu.
Trước các nguyện vọng của những doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cam kết sẽ làm hết sức mình, chung tay để biến những ước mơ của các đại diện thành hiện thực.