Bệnh bại liệt có dấu hiệu bùng phát ở một số nước, trong đó các nước nghèo đối mặt với nguy cơ lớn hơn.
Có hai con đường lây truyền bệnh bại liệt: virus bại liệt hoang dã và virus bại liệt trong vaccine uống OPV hay còn gọi là virus bại liệt có nguồn gốc từ vaccine (VDPV).
Vaccine OPV - được tạo thành từ virus sống nhưng đã bị làm giảm độc lực - giúp tăng cường khả năng miễn dịch trong ruột, nơi virus bại liệt nhân lên. Ở các cộng đồng có điều kiện vệ sinh và tỷ lệ tiêm chủng thấp, virus trong vaccine có thể lây từ người sang người khi nó được bài tiết qua phân trong khoảng thời gian đủ dài (từ 12-18 tháng) để virus đột biến và trở lại thành dạng có thể gây bệnh giống như virus bại liệt hoang dã. Đó là lý do tại sao các nước giàu lại tiêm vaccine bại liệt bất hoạt IPV vì virus trong vaccine không thể phục hồi.
Các đợt bùng phát bệnh bại liệt trong năm nay ở bang New York, London và vùng đô thị Jerusalem có thể diễn ra như thế này. Một đứa trẻ ở Afghanistan hoặc Pakistan uống vaccine OPV vào tháng 12/2021 hoặc trước đó. Ngay khi đứa trẻ vẫn còn thải ra ít virus trong phân, gia đình họ tới Anh du lịch. Tại đây, virus trong vaccine tìm thấy mảnh đất màu mỡ ở cộng đồng Do Thái Chính thống chưa tiêm chủng ở London và bắt đầu truyền nhiễm từ người này sang người khác. Đồng thời ở đâu đó, virus trong vaccine cũng bắt đầu biến đổi với những đột biến cho nó khả năng gây bệnh trở lại.
Nhà dịch tễ học Nicholas Grassly tại Đại học Hoàng gia London và thành viên của Cơ quan Quốc gia về Ngăn chặn virus bại liệt của Vương quốc Anh, cho biết, virus trong vaccine OPV đã truyền sang Israel và đến một cộng đồng Do Thái Chính thống ở hạt Rockland, phía tây bắc thành phố New York. Ông dựng lại kịch bản “có vẻ hợp lý” dựa trên dòng thời gian dịch tễ và các chuỗi virus được phát hiện trong nước thải. Tại Hạt Rockland, hồi tháng 6, một thanh niên chưa tiêm chủng trong cộng đồng Chính thống giáo đã đi khám vì chân bị yếu đi - trường hợp bại liệt đầu tiên ở Mỹ trong một thập kỷ qua.
Đợt bùng phát vẫn đang tiếp diễn, cho thấy những người chưa tiêm hay không được tiêm sẽ phải đối mặt với rủi ro. Cả Mỹ, Anh, và Israel đều đã tăng cường tiêm chủng, và vào ngày 9/9, Thống đốc bang New York Kathy Hochul ban bố tình trạng khẩn cấp trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh bùng phát.
Nhưng các chuyên gia bệnh bại liệt cho rằng rất khó để căn bệnh này bùng phát lớn ở các nước giàu, nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng cao và điều kiện vệ sinh tốt. Điều đáng lo ngại hơn là những đợt bùng phát tương tự ở các nước thu nhập thấp – không được báo chí đưa tin nhiều nhưng thực tế đã khiến gần 300 trẻ em mắc bệnh trong năm nay, chủ yếu ở Yemen và các nước châu Phi khác – và virus bại liệt hoang dã đang trỗi dậy ở châu Phi.
Phương Anh tổng hợp