Ngày 14/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 (Chiến lược).

VUSTA đánh giá, Việt Nam còn cả về số lượng và chất lượng lao động trình độ cao – yếu tố quan trọng, có tính quyết định với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Trước thực trạng phát triển của đội ngũ trí thức và yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030. Liên hiệp Hội Việt Nam coi đây là nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ trí thức góp phần thực hiện Kết luận số 52/KL-TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự thảo Chiến lược đặt ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính xuyên suốt, định hướng cho sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam trong giai đoạn tới; 2 mục tiêu tổng quát và 3 nhóm chỉ tiêu cụ thể về phát triển đội ngũ trí thức, về đóng góp của đội ngũ trí thức và về đầu tư để phát triển đội ngũ trí thức. Chiến lược cũng đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung áp dụng cho tất cả các nhóm trí thức và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp riêng áp dụng riêng cho một số nhóm trí thức thuộc các lĩnh vực nghiên cứu đặc thù.

Chiến lược được kỳ vọng sẽ đề xuất nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đột phá nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, đồng thời tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi sẵn có, chủ động đối mặt với những thách thức đặt ra đối với đội ngũ trí thức Việt Nam.