Chính phủ Malawi công bố trường hợp bại liệt mới vào ngày 17/2, và đây là bước thụt lùi mới nhất của chiến dịch chấm dứt bệnh bại liệt trên toàn cầu.

Đó là một bé gái 3 tuổi sống ở thủ đô Lilongwe của Malawi, bị liệt vào ngày 19/11/2021. Qua phân tích trình tự virus, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và phòng thí nghiệm khu vực ở Nam Phi xác nhận đây là virus bại liệt hoang dã lưu hành ở tỉnh Sindh của Pakistan trong khoảng tháng 10/2019. Có nghĩa là trong gần hai tháng, virus bại liệt hoang dã đã lây lan ở Malawi mà không bị phát hiện.

Bởi vì bệnh bại liệt lây lan nhanh chóng và “âm thầm” - chỉ khoảng một trong số 200 trẻ em bị nhiễm bệnh bị liệt - cho nên việc phát hiện một ca nhiễm cũng được coi là bùng phát dịch.

Vẫn chưa rõ thời điểm chính xác virus đến Malawi và mức độ lây lan đến nay. Năng lực giám sát bệnh bại liệt ở Malawi đã giảm trong đại dịch COVID-19.

Tổ chức Sáng kiến ​​Xóa bỏ Bại liệt Toàn cầu (GPEI) đang xây dựng chiến lược tiêm chủng thích hợp - nên sử dụng loại vaccine nào và trên phạm vi nào - để ngăn chặn nguy cơ lây lan sang các nước khác, do người dân di chuyển rất nhiều giữa Malawi và Mozambique, Zambia và Tanzania.

Pakistan và Afghanistan là hai quốc gia cuối cùng hiện còn lưu hành virus bại liệt hoang dã, và virus chưa từng bị xóa sổ ở hai nước này. Do đó đôi khi virus được “xuất khẩu” sang các nước khác từ hai nước này - lần cuối là vào năm 2013, khi virus bại liệt từ Pakistan bùng phát ở Syria.

Một em bé được cho vaccine bại liệt đường uống ở Malawi. Ca nhiễm virus bại liệt hoang dã đầu tiên ở nước này được phát hiện vào năm 1992, ca cuối cùng vào năm 2016.

Ngoài ca nhiễm bại liệt hoang dã mới, Châu Phi đang phải đối mặt với những đợt bùng phát bệnh bại liệt có nguồn gốc từ vaccine, xảy ra ở những khu vực có mức độ miễn dịch thấp. (Vaccine bại liệt uống - OPV, loại vaccine đã đưa virus bại liệt hoang dã đến bờ vực tuyệt chủng, được tạo thành từ virus sống nhưng đã bị làm giảm độc lực. OPV tạo ra khả năng miễn dịch trong ruột, nơi virus bại liệt nhân lên, và virus sử dụng trong vaccine sẽ được bài tiết qua phân. Trong các cộng đồng có điều kiện vệ sinh thấp, virus trong vaccine có thể "lây" từ người sang người và giúp bảo vệ cộng đồng. Tuy nhiên, khi tỷ lệ chủng ngừa trong cộng đồng thấp, virus trong vaccine có thể lây từ người này sang người khác trong thời gian dài, khoảng 12-18 tháng, do đó đột biến và trở thành dạng có thể gây bệnh giống như virus bại liệt hoang dã. Sau đó, virus trong vaccine phiên bản đột biến này trở thành mầm bệnh mới lây lan trong cộng đồng.) Nhưng trường hợp bại liệt hoang dã cuối cùng trên lục địa đen là từ năm 2016 tại bang Borno ở Nigeria, và châu Phi chính thức được chứng nhận không có virus bại liệt hoang dã vào tháng 8/2020.

Mặc dù Malawi hiện được coi là "quốc gia bị ảnh hưởng bởi bệnh bại liệt hoang dã", châu Phi nói chung vẫn sẽ được coi là không có virus bại liệt hoang dã, trừ khi virus này lưu hành trên 12 tháng trong khu vực.


Nguồn: