Vượt qua hơn 100 hồ sơ, “Giải pháp kết hợp công nghệ vệ tinh và chà nổi truyền thống giúp khai thác cá hiệu quả” của tác giả Đồng Quang Hùng (Khánh Hoà) đã xuất sắc giành giải Đặc biệt trị giá 100 triệu đồng.
Phát động từ tháng 2/2022, Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022 do VnExpress khởi xướng hướng đến tìm kiếm những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo phục vụ cuộc sống trong các lĩnh vực y sinh - hoá sinh, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Cuộc thi dành cho các nhà nghiên cứu trẻ (dưới 40 tuổi) chuyên và không chuyên trên cả nước
Cuộc thi đã thu hút hơn 100 hồ sơ tham gia, 88 hồ sơ hợp lệ bước vào vòng sơ loại. Sau đó, ban giám khảo đã chọn ra 29 dự án vào vòng chung kết. Ở vòng này, 29 thí sinh đã có buổi thuyết trình dự án trước hội đồng giám khảo và trả lời câu câu hỏi về những giải pháp, sáng kiến của mình.
Hội đồng ban giám khảo của cuộc thi năm nay gồm PGS.TS Hà Phương Thư (Viện khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), TS Đào Văn Dương (Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Phenikaa), PGS. TS Mai Anh Tuấn - (giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS Nguyễn Phi Lê (Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo BK.AI, Đại học Bách Khoa Hà Nội), ông David Nguyen, Chủ tịch Ban Cố vấn Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam tại Australia.
Kết quả cuối cùng dựa trên điểm của giám khảo (70%) và điểm bình chọn trên trang chương trình (30%).
Theo đó, Giải Đặc biệt của cuộc thi năm nay đã thuộc về tác giả Đồng Quang Hùng (Khánh Hoà) với sáng kiến “Giải pháp kết hợp công nghệ vệ tinh và chà nổi truyền thống giúp khai thác cá hiệu quả”. Với giải pháp này, ngư dân chỉ cần thả 3-5 phao dò đặt cạnh 3-5 chà tại các vị trí khác nhau. Dựa vào các dữ liệu phao dò cá gửi về thông qua sóng vệ tinh, chủ tàu có thể xác định vị trí đánh bắt, các tín hiệu dự báo như: tọa độ, cá ở độ sâu bao nhiêu, khối lượng cá dự kiến, nhiệt độ nước, dòng chảy... Khi có tín hiệu cá, ngư dân mới thực hiện đánh bắt, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nhiên liệu, chi phí mỗi chuyến đi. Ưu điểm lớn của giải pháp là chỉ với chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, ngư dân có thể tiếp cận được công nghệ và tăng sản lượng đánh bắt cá từ 3 đến 5 lần, đồng thời tiết kiệm 40% nhiên liệu.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 3 giải Ba cho các sáng kiến tiềm năng khác.
Chia sẻ về chất lượng của hồ sơ năm nay, TS Nguyễn Phi Lê, thành viên Ban giám khảo nhận định “các bài thi có tính ứng dụng cao, thực sự bắt nguồn từ nhu cầu của đời sống", trong đó có “một số bài thi đã vận dụng như xu hướng mới như ứng dụng blockchain, công nghệ lĩnh vực hoá học, nông nghiệp sạch để giải quyết vấn đề".
Kết quả Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022:
Giải Đặc biệt: “Giải pháp kết hợp công nghệ vệ tinh và chà nổi truyền thống giúp khai thác cá hiệu quả” của tác giả Đồng Quang Hùng (Khánh Hoà)
Giải Nhất: “Chiết tách lycopen từ quả gấc” của nhóm nhà khoa học G5 - nhóm nghiên cứu phát triển vật liệu mới thuộc Viện hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Giải Nhì: “Thiết bị nội soi 3D” của nhóm bác sĩ chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh và các cộng sự từ Đại học VinUni.
Giải Ba: “Dự án Deep Signature - công nghệ chống hàng giả bằng blockchain” của nhóm do PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Đại học Bách khoa TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) đứng đầu.
Giải Khuyến khích: Sáng kiến “Trà định tâm Assamica” của nhóm MEDTECH do Nguyễn Long Hoàng (23 tuổi), vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) dẫn đầu.
Sáng kiến “Website hỗ trợ người dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy” của nhóm Dream Makers do Đoàn Thị Hà Giang (18 tuổi) học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Điện Biên làm trưởng nhóm.
Sáng kiến “Thiết bị tự động đo thân nhiệt phòng Covid-19, điểm danh bằng thẻ RFID giúp dễ quản lý học sinh” của thầy giáo Lê Đức Quốc, trường THCS-THPT Thạnh Lộc (Kiên Giang). |