Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi các trường đại học phải tạo ra các chương trình không chỉ giúp nâng cao chất lượng sinh viên mà còn phải hợp tác chặt chẽ được với doanh nghiệp.
Ngày 14/5, tại Hà Nội diễn ra tọa
đàm “Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cho tương lai” do Bộ GD-ĐT của Việt Nam
và Australia cùng tổ chức. Một số trường
đại học về công nghệ tiêu biểu của Australia và Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm
trong việc hợp tác nhà trường- doanh nghiệp để thiết kế các khóa học đảm bảo mức
độ hài lòng của sinh viên, đồng thời đảm bảo mức độ sẵn sàng của sinh viên khi
tham gia lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ.
Tham gia hội thảo, GS. Duncan
Bentley, trường Đại học Công nghệ Swinburne của Úc, chia sẻ kinh nghiệm để có được
sự hợp tác hữu cơ với doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo cần phải chủ động và trở
nên thích nghi hơn bằng cách mở ra những cơ chế hội tụ xuyên ngành, chia sẻ cơ
sở hạ tầng cho phép sự tham gia của doanh nghiệp từ đầu, tạo nên được một hệ
sinh thái đổi mới sáng tạo và xây dựng được phương pháp luận đảm bảo người học
luôn sẵn sàng cho tương lai dù bất kì điều gì xảy ra.
Trường Swinburne chia sẻ 2 ví dụ
thú vị mà họ đã áp dụng tương đối thành công. Đó là “Xưởng thiết kế Melbourne”
- một nền tảng cho phép sinh viên học tập dựa trên dự án liên ngành, tại đó các
sinh viên từ nhiều ngành khác nhau có thể tham gia thiết kế các mẫu sản phẩm và
kiểm thử lặp đi lặp lại đến khi ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
“Dự án công nghiệp 4.0” cũng là một
ví dụ thành công của Swinburne. Đây là một tập hợp các hoạt động nghiên cứu về
nhiều ngành công nghệ tiên tiến mới nhất như thành phố thông minh, tự động hóa,
công nghệ vật liệu, in 3D, An ninh mạng, AI, Blockchain. Thông qua những cơ sở
nghiên cứu đó, Swinburne đã nhận được tài trợ lên tới hàng trăm triệu đô la Úc
từ phía các bộ, ban ngành chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
GS. Duncan Bentley nhấn mạnh các mô
hình trên đóng vai trò quan trọng không chỉ khiến nâng cao trình độ của sinh
viên, nghiên cứu viên của trường mà đồng thời còn là nhân tố giúp xây dựng mối
quan hệ bền lâu của nhà trưởng với các tổ chức bên ngoài như doanh nghiệp bởi họ
được tham gia ngay từ ban đầu trong quá trình xây dựng, phát triển các dự án.
Chia sẻ kinh nghiệp đào tạo nhân
lực, TS. Hoàng Việt Hà, Phó chủ tịch hội đồng quản trị trường FPT, cho biết do
đặc thù của ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), mà sự thay đổi
công nghệ diễn ra với tốc độ cao, những nghiên cứu ngành luôn đi nhanh hơn so với
trường đại học và nhu cầu nâng cao trình độ nhân lực thường xuyên diễn ra.
Hiện nay, khá nhiều xu hướng giáo
dục mới nổi lên như các khóa học cá nhân, học online, nhu cầu về cố vấn… tất cả
gây áp lực và đe dọa đến mô hình đại học truyền thống. Bởi vậy trường đại học của
FPT tiếp cận giảng dạy theo một phương thức khác gọi tên là Liên kết ngành
(Industry Links).
“Chúng tôi dùng chính những yêu cầu
cụ thể từ khách hàng quốc tế để làm đầu bài cho sinh viên giải quyết” TS. Hoàng
Việt Hà chia sẻ. Từ yêu cầu phía đối tác, có thể giảng dạy kết hợp với việc đào
tạo qua công việc (On-Job Training), vào phòng Labs và làm những nghiên cứu
mang tính thương mại. Theo mô hình này, ngay từ khi học, các sinh viên ngành
ICT đã có kinh nghiệm, nắm được các tiêu chuẩn của một phân khúc thị trường lao
động cụ thể, do vậy khi tốt nghiệp có thể sử dụng được ngay mà ít phải đào tạo
lại hoặc chỉ cần đào tạo thêm trong thời gian ngắn (3 tháng).
Khi được hỏi về khó khăn trong việc
giải quyết những khó khăn trong việc liên kết viện trường-doanh nghiệp, hai đối
tác cho biết Hội đồng trường đóng vai trò khá quan trọng về vấn đề này, đặc biệt
khi các trường đều có thành viên hội đồng trường là những doanh nhân hoặc những
người có mối liên hệ ngành mạnh.
Tại hội thảo, Đại học Công nghệ
Swinburne và Đại học FPT đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, theo đó sẽ có chương
trình đào tạo chung hai bên, học bổng, trao đổi cơ hội thực tập cho sinh viên
và giảng viên.