Sau một năm thực hiện Đề án “Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH&CN”, đã có 145 ngàn tài liệu thư mục được đưa vào sử dụng tại địa chỉ www.stinet.gov.vn. Hệ thống cũng đã liên kết dữ liệu của 12 tổ chức KH&CN cùng với dữ liệu của Sở KH&CN, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM.
Thông tin này được bà Bùi Thanh Bằng – Giám đốc Trung tâm Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM - cho biết tại buổi lễ ký kết thỏa thuận tham gia “Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH&CN (gọi tắt là Hệ thống)” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 15/5 tại TPHCM.
Hệ thống này liên kết thông tin (nhiệm vụ, thông tin KH&CN do đơn vị tham gia tạo lập và được quyền khai thác như sách,luận văn, tạp chí chuyên ngành KH&CN,…) giữa Sở KH&CN và các tổ chức KH&CN tại TPHCM. Các tổ chức KH&CN tham gia Hệ thống được truy cập cơ sở dữ liệu liên kết của các thành viên và các nguồn cơ sở dữ liệu KH&CN lớn miễn phí. Đồng thời, được hỗ trợ kinh phí để cập nhận dữ liệu nhiệm vụ KH&CN và các dữ liệu khác để cung cấp trên cổng thông tin của Hệ thống.
Được triển khai thực hiện từ năm 2018, đến nay Hệ thống đã liên kết được hơn 15 ngàn tài liệu toàn văn, bao gồm 12 ngàn tài liệu toàn văn của 8 đơn vị hơn hơn 2 ngàn kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN từ Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM và hơn 1 ngàn dữ liệu từ Sở KH&CN TPHCM. Trong đó, có 626 chuyên gia, 134 phòng thí nghiệm, 208 tổ chức KH&CN, 57 doanh nghiệp KH&CN. 9 đơn vị đã kết nối cập nhật dữ liệu tự động cho hệ thống như các trường đại học Y dược, Tài Nguyên và Môi trường, Sài Gòn, Quốc tế,… và 5 đơn vị thực hiện cập nhật dữ liệu qua file do phần mềm thư viện của các đơn vị đang nâng cấp hoặc chưa hỗ trợ giao thức kết nối tự động.
Hệ thống cũng đã xây dựng được công cụ tìm kiếm từ đơn giản đến nâng cao,kết hợp các toán tử Boolean, tìm trên mọi trường, trong khoảng thời gian nhất định, không phân biệt chữ hoa hay chữ thường,… Ngoài ra, Hệ thống thống kê chi tiết số lượng tài liệu theo từng dạng tài liệu và đơn vị. “Thời gian tới, Sở KH&CN TPHCM tiếp tục mở rộng liên kết với các đơn vị, bổ sung các tính năng tiện ích cho người dùng và các đơn vị thành viên “ – bà Bằng cho biết.
Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, hiện nay, trên địa bàn TPHCM có nhiều các trường đại học, viện nghiên cứu. Mỗi đơn vị này đều các phòng thông tin hay thư viện, nhưng chưa liên kết được các nguồn lực thông tin KH&CN với nhau . “ Việc thực hiện đề án nói trên sẽ tạo lập được nhiều thông tin KH&CN đầy đủ, đa dạng và được chia sẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức KH&CN sử dụng. Đặc biệt là các nhà nghiên cứu, sinh viên, nghiên cứu sinh” – TS Phùng chia sẻ và kỳ vọng sẽ có nhiều đơn vị tham gia Hệ thống hơn nữa.
Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức KH&CN cho rằng, việc tham gia Hệ thống là cần thiết nhưng băn khoăn vấn đề bản quyền, bị sao chép thông tin. “Nhà trường đã thấy nhiều luận văn, dự án được mang đi kinh doanh và việc các học viên, hay sinh viên sao chép thông tin lẫn nhau là điều khó tránh khỏi”- PGS.TS. Đỗ Văn Xê - Hiệu trưởng Trường Đại Hùng Vương cho biết. Chính vì vậy, nhiều tổ chức KH&CN đã quy định không được phép chia sẻ tài liệu toàn văn mà chỉ cung cấp bản tóm tắt. Cá nhân nào cần tài liệu toàn văn phải có sự đồng ý của chủ nhiệm đề tài mới được cung cấp thông tin.
Tại buổi lễ, thêm 9 đơn vị đến từ các trường đại học đã ký kết tham gia Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH&CN với Sở KH&CN TPHCM .