82% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng đào tạo sẽ giúp nâng cao hiệu suất lao động của đôi ngũ nhân viên. Vì thế, dù gặp nhiều khó khăn do Covid-19, 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát vẫn giữ nguyên ngân sách dành cho đào tạo và phát triển.

Navigos Group vừa công bố báo cáo “Đào tạo và Phát triển trong doanh nghiệp: Thực trạng và xu hướng trong thời kỳ Chuyển đổi số”.

Theo đó, 41% trong tổng số 255 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã phải giảm một phần các hoạt động đào tạo do ảnh hưởng của Covid 19 và 10% ngừng hoàn toàn mọi hoạt động đào tạo.

Điểm sáng tích cực là 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát vẫn giữ nguyên ngân sách và 26% vẫn giữ nguyên các kế hoạch đào tạo và phát triển. 23% ý kiến cho biết thậm chí còn tăng thêm các hoạt động này.

Nguồn: Pinterest
Nguồn: Pinterest

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp mới đang hướng chương trình đào tạo vào nhân viên, trong khi chương trình dành riêng cho cấp quản lý/lãnh đạo chưa được chú trọng.

Cụ thể, dù có tới 48% ý kiến của doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của đào tạo đối với phát triển đội ngũ lãnh đạo kế thừa nhưng trên thực tế, 22% doanh nghiệp không có các chương trình đào tạo theo lộ trình phát triển trở thành nhà quản lý tương lai. Ngay cả đối với đội ngũ quản lý/lãnh đạo hiện tại, 32% doanh nghiệp cho biết họ không có các chương trình đào tạo dành riêng cho đội ngũ này.

40% doanh nghiệp xác nhận, ngân sách là thách thức lớn nhất trong triển khai hoạt động đào tạo và phát triển. Các khó khăn khác như “không đáp ứng được nhu cầu đào tạo cho tất cả nhân viên” và “khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của đào tạo” cũng được 40% và 35% doanh nghiệp đồng tình.

Doanh nghiệp không lo lắng việc AI thay thế con người

82% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng đào tạo sẽ giúp nâng cao hiệu suất lao động của đội ngũ nhân viên. 49% ý kiến đồng ý rằng phòng Đào tạo và Phát triển góp phần quan trọng trong mục tiêu “thu hút và giữ chân nhân tài” và 48% tin rằng việc đào tạo sẽ tạo ra đội ngũ lãnh đạo kế cận.

Trước những tác động của cuộc cách mạng 4.0 cùng ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều ngành nghề đã được tái định hình. Vì thế, 34% doanh nghiệp đồng ý rằng, phòng đào tạo phải nắm được các xu hướng thay đổi để có thể cung cấp các chương trình đào tạo đón đầu về kiến thức, kỹ năng mới.

Điều đáng nói, chỉ 15% doanh nghiệp bày tỏ lo lắng về sự thay thế của máy móc với con người. Họ đánh giá rất cao vai trò của phòng Đào tạo với các hoạt động nâng cấp kiến thức kỹ năng.

Điều mà các doanh nghiệp lo ngại hơn nằm ở sự đa dạng về thế hệ trong doanh nghiệp. Cụ thể, đó là sự va chạm giữa các thế hệ như thế hệ X, thế hệ Y, đến thế hệ Z và nhu cầu về kiến thức, kỹ năng để có thể làm việc chung với nhau. Vì thế, 24% ý kiến của doanh nghiệp cho biết họ quan tâm đến việc phòng Đào tạo phải cải tiến, đổi mới các chương trình để thu hẹp khoảng cách này.

Ưu tiên đào tạo trực tuyến

Nhận thấy xu hướng chuyển đổi số là tất yếu, 56% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tập trung vào đào tạo và phát triển về năng lực quản trị trong biến động, kỹ năng khai vấn (coaching)… cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý.

Về hình thức đào tạo, 52% doanh nghiệp khẳng định đào tạo trực tuyến (E-learning) sẽ được ưu tiên lựa chọn trong 5 năm tới.

Nguyên nhân là bởi các lợi ích của việc đào tạo trực tuyến là rất rõ ràng. 90% ý kiến cho biết lợi ích lớn nhất chính là sự linh hoạt về thời gian và không gian. 49% ý kiến đồng tình với việc hình thức này cho phép học lại và truy cập dễ dàng học liệu.

Xếp sau đào tạo trực tuyến là hình thức đào tạo tích hợp (Blended learning) và doanh nghiệp tự phát triển hệ thống đào tạo riêng (Learning Management System – LMS).