Trong gói cứu trợ kinh tế 1,9 nghìn tỉ USD của Chính phủ Mỹ có khoản dành cho các nhà nghiên cứu vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 và lấp đầy khoảng trống trong lĩnh vực y tế của quốc gia này như giải trình tự hệ gene virus và tìm hiểu về dịch bệnh trên vật nuôi.

Tuy vậy một số nhà khoa học cho rằng đây mới là một phần của những gì giúp nền khoa học có thể phục hồi một cách toàn vẹn.

Ông Biden đến thăm Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson năm 2016 khi còn là Phó Tổng thống.

Trong số hàng tỉ USD dành cho khoa học liên quan đến đại dịch, có số tiền dành cho Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, Viện nghiên cứu Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia, đầu tư cho nghiên cứu về vaccine, các liệu pháp điều trị, vật tự y tế để sẵn sàng đối đầu với các biến thể SARS-CoV-2, các dịch bệnh có thể bùng phát trong tự nhiên... Điều này ngay lập tức được các nhóm nhà khoa học hoan nghênh như một bằng chứng về các kế hoạch đưa khoa học trở lại những mảng công việc quan trọng của chính phủ mà ông Biden đã hứa hẹn, tương phản với người tiền nhiệm của ông. “Tôi nghĩ rất nhiều khoản đầu tư trong đó đang thực sự cần thiết cho chúng ta chống lại đại dịch và thực sự giúp chúng ta phục hồi”, Tannaz Rasouli, giám đốc cấp cao về chính sách công và tiếp cận chiến lược tại Hiệp hội các trường Y Mỹ, nhận xét.

Gói cứu trợ này cũng bao gồm các khoản kinh phí để chuẩn bị cho việc ngăn ngừa và chuẩn bị cho những công việc khác liên quan đến Covid-19 trên bình diện quốc tế như phát triển mối quan hệ đối tác vaccine đa phương để hỗ trợ cho việc chuẩn bị phân phối vaccine trên toàn cầu.

Phần thưởng cho khoa học

Khoản đầu tư này được chờ đợi sẽ mang lại lợi ích cho các nhà nghiên cứu vốn bị đại dịch ảnh hưởng đến công việc nghiên cứu. “600 triệu USD được dự định trao cho Quỹ Khoa học Mỹ sẽ đem lại cho Quỹ những khoản tiền tài trợ cần thiết để tiếp tục công việc mang tính đột phá mà Quỹ đã tài trợ thông qua cơ chế mới trong năm 2020”, Jennifer Zeitzer, giám đốc bộ phận quan hệ công chúng tại Hiệp hội Các tổ chức Sinh học thực nghiệm Mỹ, cho biết.

Thêm vào việc hoàn thiện chiến lược thử nghiệm quốc gia và phân phối vaccine, hiện giờ có cơ hội tăng cường hơn công việc giải trình tự hệ gene virus để dò theo sự xuất hiện của những biến thể virus SARS-CoV-2 mới. “Có 1,75 tỉ USD trong gói này dành cho Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh để mở rộng hơn công việc này”, Rasouli nói. “Tôi nghĩ có nhiều trường y và bệnh viện trên khắp nước Mỹ sẽ ngay lập tức có điều kiện tham gia việc giải trình tự gene. Tôi cũng nghĩ là có nhiều khoản đầu tư đang thực sự cần thiết cho chúng tôi, giúp chúng tôi kiềm chế đại dịch và thực sự bước đi những bước quan trọng để phục hồi”.

Trước đó, Viện Y tế quốc gia Mỹ đã thông báo một sáng kiến trị giá 1,15 tỉ USD trong vòng bốn năm để tập trung vào việc tìm hiểu các điều kiện liên quan đến các ảnh hưởng dài hạn với sức khỏe của bệnh nhân mắc SARS-CoV-2. Khoản kinh phí này đến vào lúc cộng đồng khoa học bắt đầu ghi nhận về tác động này và muốn tìm hiểu tại sao nó lại diễn ra và cơ chế nào dẫn đến điều đó.

Jacob Carter, nhà khoa học tại Liên minh các nhà khoa học, cho rằng một điểm đáng chú ý trong gói cứu trợ là việc đầu tư cho nghiên cứu về các dịch bệnh trong tự nhiên, vốn có mục đích nhận diện những loài virus có thể có khả năng lây truyền cho người. “Việc dò sớm được bệnh tật có thể hữu dụng trong việc ngăn ngừa những coronavirus chủng mới khác, hay đại dịch khác”, Carter nói. “Tôi nghĩ việc tái ưu tiên này đặc biệt quan trọng”.

SARS-CoV-2 đang bị nghi ngờ là bắt nguồn từ dơi sang người. Bất chấp điều đó thì vào năm 2020, Tổng thống Donald Trump đã đột ngột cắt đi khoản đầu tư nghiên cứu về các cơ chế lây truyền virus từ dơi sang người.

Đường tới phía trước

Trong khi khoản đầu tư tăng thêm là một phần thưởng đẹp cho các nhà nghiên cứu thì vẫn còn những lo ngại về việc chúng chưa thực sự chạm đến nhu cầu thật sự của họ. Khi ông Biden chuẩn bị ký vào đạo luật cứu trợ này, nhiều người tin rằng vẫn cần sự hỗ trợ của Quốc hội Mỹ để giúp khoa học phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và để giải quyết những nguy cơ rủi ro ngày một gia tăng của những đại dịch tương lai, các bệnh truyền nhiễm và việc phơi nhiễm các chất ô nhiễm trong môi trường ngày một lớn hơn.

“Nếu không có khoản kinh phí tăng thêm thì các cơ quan cấp quỹ liên bang sẽ phải trích rút thêm từ những khoản cơ bản của họ, điều đó có nghĩa là có thể ‘ăn’ vào nguồn lực mà họ phải hỗ trợ cho nghiên cứu mới”, Rassouli nói.

Việc đóng cửa các phòng thí nghiệm và các cơ sở giáo dục gây khó khăn cho nhiều đối tượng như các nghiên cứu sinh trong việc kết thúc phần nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu trong chương trình postdoc đang chờ đợi các vị trí nghiên cứu mới; các nhà nghiên cứu trong giai đoạn đầu sự nghiệp đang ở cuối giai đoạn xin tài trợ cho đầu tiên của riêng mình hoặc cố gắng cạnh tranh để gia tăng ngân sách nghiên cứu.

Thêm vào đó Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ công bố một báo cáo về đại dịch đã gây ra sự gán đoạn cho phụ nữ trong lĩnh vực STEM như thế nào.

“Thật rõ ràng là kinh phí bổ sung sẽ rất cần thiết để giúp các nhà khoa học hoàn thiện công việc vốn bị gián đoạn vào năm ngoái”, Zeitzer nói. “Trong một số trường hợp, việc Viện Y tế quốc gia Mỹ gia hạn một năm không tính chi phí cho họ vẫn là không đủ. Rất nhiều người có lẽ sẽ cần tăng thêm kinh phí để tiếp tục các nghiên cứu của mình, tuyển thêm các sinh viên và những người làm trong phòng thí nghiệm, và thay thế các thiết bị cá nhân trong phòng thí nghiệm đã được quyên góp cho các bệnh viện, trạm xá và các tổ chức y tế khác”.

Với việc thông qua đề xuất sự phân bổ kinh phí cho Quỹ khoa học quốc gia và Viện nghiên cứu Tiêu chuẩn và Kỹ thuật quốc gia, Eddie Bernice Johnson - Chủ tịch của Ủy ban Khoa học của Quốc hội Mỹ, đã làm tăng thêm nhận thức về tác động của đại dịch đối với việc đóng cửa phòng thí nghiệm và việc lật lại tình trạng các cơ quan nghiên cứu công lập đang mất nguồn nhân lực. Phát biểu trong giai đoạn đầu của việc thông qua gói cứu trợ, Johnson nói, “750 triệu USD mới chỉ là một phần của những gì khoa học cần, bao gồm việc phục hồi các lĩnh vực khoa học và quan trọng hơn là những tài năng đang bị chảy khỏi lĩnh vực STEM như một hệ quả từ đại dịch”.

Có hi vọng là chính phủ liên bang sẽ rót thêm tiền vào Viện Y tế quốc gia để đầu tư với những khoản mới và làm tăng tốc các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng về Covid-19. Nhiều chuyên gia ủng hộ việc thông qua luật như đạo luật RISE (Đầu tư cho nghiên cứu để thúc đẩy nền kinh tế), vốn được giới thiệu trong năm 2020 để phản hồi Covid-19, vốn trao cơ hội cho các cơ quan đầu tư quốc gia có thêm kinh phí hỗ trợ các nhà nghiên cứu bị đại dịch ảnh hưởng. Những khoản kinh phí tăng thêm sẽ rất cần thiết để giải quyết vấn đề chảy máu chất xám đã xuất hiện ở khắp các cơ quan nghiên cứu liên bang trong vài năm nay.

“Một công việc cần thiết là hỗ trợ các cơ quan khoa học quốc gia và nó phải phù hợp với đạo luật RISE”, Matt Owens, phó chủ tịch phụ trách mảng hợp tác liên bang tại Hiệp hội các trường đại học Mỹ, nói. “Việc có nhiều khoản tài trợ không chỉ hỗ trợ lực lượng nghiên cứu mà còn tránh cho các cơ quan công lập khỏi phải tính toán việc lấy những khoản dự định dành cho các nghiên cứu mới để chi cho những dự án nghiên cứu hiện tại bị đại dịch ảnh hưởng”.

Hợp tác quốc tế

Gói cứu trợ kinh tế không đề cập một cách rõ ràng đến những mối hợp tác quốc tế trong khoa học. Một số nhà khoa học dự cảm là có thể dẫn đến việc mối quan hệ hợp tác quốc tế sẽ bị suy giảm trong thời gian tới.

“Khi những chủng mới của Covid xuất hiện, mối hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để phát triển những xét nghiệm chẩn đoán mới và những liệu pháp điều trị mới cho virus”, Zeitzer nói. “Tôi cho rằng việc đảm bảo cho những nơi như Quỹ Khoa học quốc gia, Viện Y tế quốc gia và các cơ quan nghiên cứu liên bang khác ở Mỹ có được nguồn lực mà họ cần để tăng cường hơn nữa các nghiên cứu trong phạm vi có thể với các đối tác nước ngoài sẽ là điều tối quan trọng. Cách virus lây nhiễm là một lĩnh vực nghiên cứu mang tính toàn cầu, đặc biệt là khi nhiều quốc gia đã bắt đầu mở cửa biên giới trở lại cho khách du lịch quốc tế”.

Nguồn: sciencebusiness.net